Nhãn

CHO - MƯỢN - TIỀN


Hẹn nhau nhậu sau vài năm không gặp, tôi phụ trách mang bia còn vài đứa bạn mang mồi. Nói nhậu cho sang nhưng thật ra là trò chuyện với nhau về quãng thời gian sinh viên đã qua mà nay đứa nào cũng đã đi làm được vài năm. Ổn định có, mong muốn bay xa có, nhưng chung quy lại thì so với thời sinh viên, tiền bạc đứa nào cũng khá giả hơn.

Sau buổi đó, tôi với một thằng bạn trên đường về có ghé vào quán hủ tiếu gõ để ăn đêm. Nó nói tôi mua bia hết bao nhiêu tiền để nó “share” ra nhưng tôi từ chối. Qua trò chuyện, nó có nhắc đến những lần mượn tôi vài trăm ngàn thời sinh viên để ứng biến những ngày cuối tháng và trả tôi ngay khi có tiền. Tôi thật sự không nhớ nổi những chuyện như thế nhưng nó vẫn nhớ thì có lẽ nó là người xem trọng điều đó. Thế nên tôi rất trân trọng thằng bạn này.

Sinh viên, nếu ăn học nhờ vào tiền gửi hàng tháng của cha mẹ thì khi cho mượn tiền, không phải vì dư giả mà chỉ là nhịn ăn ngon vài bữa để giúp đỡ bạn bè khi nó cần. Và cái thời đó thì cũng không nghĩ xa được, rằng mối quan hệ nào nên đầu tư, mối quan hệ nào nên vứt bỏ. Chỉ đơn giản bạn cần thì tôi giúp.

Tôi cũng cho vài đứa bạn mượn tiền, nhưng đâu phải ai cũng giống người bạn kia.

Nhớ hồi những năm cuối đại học, khi đã hoàn thành những môn học quan trọng và có nhiều thời gian hơn. Tôi đi làm bán hàng trong trung tâm thương mại. Đợt công ty chạy chương trình giảm giá mạnh, doanh thu cao nên tiền lương và thưởng tháng đó của tôi cũng hơn chục triệu. Những đứa làm chung với tôi, ai cũng biết chuyện đó.

Vậy là thằng bạn chơi thân với con bạn tôi nó nhắn tin mượn tiền đóng học phí. “Nếu không có tiền, chắc tôi phải nghỉ học”. Đó là câu nó nói với tôi. Tính ra tôi không chơi với nó nhiều, tôi biết nó qua con bạn làm chung chỗ. Nhưng tôi nghĩ: nó làm quản lý nhóm bán hàng nên khi có lương, nếu nó muốn trả tiền cho tôi thì chẳng là vấn đề. Tôi đã cho nó mượn bởi vì nó biết tôi vừa nhận lương mà tôi thì không nghĩ ra một lý do nào để từ chối. Thế là tôi trở thành người túng thiếu đi xin lại khoản tiền mình đã để nó mượn đóng học phí. Mà cũng không biết liệu nó có thiếu tiền đóng học phí thật không khi mà nó vẫn thường “check in” ở những nơi vui chơi, ăn uống mà tôi cho là sang chảnh.

Rồi bạn trai của con bạn làm chung cũng nhắn tin mượn tiền. “Tôi cần cho việc gấp lắm nhưng đừng cho bồ tôi biết nha”. Nó nói tôi như vậy mà tôi không đặt một chút vấn đề rằng có gì mờ ám trong đó không. Tôi vẫn cho nó mượn với một lý do ngây ngô như thằng bạn trên. Thế là sau vài lần tôi đòi mà nó không có tiền trả, vào một ngày nọ, bồ nó là đứa làm chung với tôi nói với tôi rằng nó sẽ trả thay cho.

Vậy là những “phi vụ” cho mượn tiền đầu đời của đời chẳng mấy thuận lợi chút nào. Tôi dần suy nghĩ nhiều hơn mỗi khi có người hỏi mượn tiền và tôi cũng học được cách nói từ chối hay có những nguyên tắc trong chuyện đó.

Người ta nói bạn bè thì không nên dính tới chuyện tiền bạc. “Mất tiền, mất luôn cả bạn”. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu được điều đó. Nếu người bạn kia cứ mượn tiền thì sao làm từ chối hoài được. Vậy nên, một người chị mà tôi chơi chung từ thời sinh viên đến giờ đã nói với tôi như một lời giao kèo: “đừng bao giờ mượn tiền chị nhé”. Nhưng chị là người khá thoải mái trong những buổi đi ăn uống chung. Chị luôn dành phần trả tiền hay có “share” thì cũng nhường tôi phần ít. Ngày tôi ra nước ngoài làm việc, chị kẹp một trăm đô trong món quà chia tay. Về nhà mở quà ra tôi mới biết. Thật muốn trả lại chị nhưng dù sao đó là tấm lòng của chị, tôi sẽ cất giữ nó. Có lẽ chị cũng giống tôi khi muốn rạch ròi giữa cho và mượn, không muốn người khác mượn nhưng bản thân nếu đủ hào phóng thì vẫn có thể cho.

Hai suy nghĩ tôi luôn đắn đo khi cho ai đó mượn tiền là: tôi có sẵn sàng cho họ số tiền đó khi họ không trả tôi không? Và liệu họ có thật sự cần sự giúp đỡ của tôi?

Tôi rất hạn chế mượn tiền của bạn bè hay người khác. Bởi tôi cho rằng: người đầu tiên mình cần nghĩ đến là cha mẹ, những người thân của mình. Cha mẹ là người có thể cho ta mọi thứ vô điều kiện. Nếu vì mong muốn không để người thân lo lắng mà đi mượn tiền của người khác thì trách nhiệm trả nợ càng cao hơn. Còn nếu đẩy sức nặng gồng gánh nỗi lo đó qua cho người khác mà bản thân không có trách nhiệm trả nợ thì thật không còn gì để nói. Vậy là họ đối với bạn của mình cũng không hề quan tâm hay tình nghĩa gì.

Khi muốn mượn tiền, nên tìm người chuyên cho vay. Cứ sòng phẳng với tiền bạc chứ đừng lấy tình cảm để hưởng lợi vài đồng tiền lời. Chẳng lợi bao nhiêu mà cái tình nó cứ vương vấn trói buộc người khác.

Quan điểm rạch ròi là thế nhưng tôi vẫn không thoát khỏi những sai lầm khi cho mượn tiền.

Sau một năm không gặp mặt, đứa nhân viên từng làm cấp dưới nhắn tin với tôi mượn tiền. “Em làm mẹ đơn thân, phải một mình lo cho con, anh cho em mượn tiền ăn, đến thứ sáu có lương thì em trả anh liền”. Không ngờ sau một năm không liên lạc mà khi biết tôi mới từ nước ngoài về, em lại nhắn tin mượn tiền tôi. Lý do mượn tiền lo bữa ăn cho con cũng đáng đồng cảm.

Với những nguyên tắc mà tôi đã đề ra, tôi hỏi em đã hỏi mượn những người thân quen hay bạn bè thân chưa? Em nói chẳng ai giúp em cả. Rồi em kể lể trước em đối xử với mọi người rất tốt, rất rộng rãi mà giờ em khó khăn thì chẳng ai giúp đỡ. Tôi từng làm chung và nghe rất nhiều tai tiếng về cách tiêu tiền của em. Sai lầm của em là sự thể hiện sự giàu có không hề tồn tại của mình. Và một điều bản thân phải tự nhận ra là “không phải mình đối tốt với người khác như thế nào thì họ đối xử với mình lại như vậy”. Không nên dùng tiền người này để lấy lòng hay đầu tư vào mối quan hệ vào người khác. Mà nói gì thì nói, một phần tôi cũng xiêu lòng. Phần khác thì theo nguyên tắc của tôi, số tiền em mượn, tôi vẫn có thể cho, cho để dức hẳn không còn dính dáng gì nếu như em không trả. Và tôi cũng nghĩ rằng, một người tính toán như em thì sẽ biết đầu tư hạn mức khoản vay, nghĩa là mượn một số tiền nhỏ rồi trả đúng hạn để những lần sau có thể mượn những khoản tiền lớn dần.

Và để xem sự nể trọng của em đối với tôi trước giờ là như thế nào. Tôi có quyền suy nghĩ thế bởi khi nói chuyện với một đứa nhân viên làm chung khác thì nó liền nói: “ai nó cũng giật được chứ biết đâu Hoàng, nó lại nể và sĩ diện mà trả”.

Lúc cho mượn, tôi nói rõ với em là tôi không có tiền trong tài khoản nên phải chờ chiều tôi ra ngân hàng gửi tiền. Tôi nói vậy để thấy rằng tôi đã hết lòng như thế nào. Vậy mà nhiều thứ sáu trôi qua trong im lặng, và người em đó không biết còn túng thiếu hay không mà trên facebook vẫn lung linh, sung đầy. Và giờ thì tôi cũng không quan tâm nó còn tồn tại hay không mà tôi chỉ biết rằng: nó đã hoàn toàn biến mất trong cuộc sống của tôi.

Nói trắng ra thì các mối quan hệ đều neo giữ nhau bởi lợi ích, hoặc là trao nhau tình cảm, hoặc là san sẻ lợi ích. Nhưng hãy để cái tình đáp trả cái tình, đừng lấy tình cảm quy đổi ra tiền bạc để rồi phải ngỡ ngàng nhận ra, giá của cái tình nó bọt bèo rẻ rúng lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét