Nhãn

LẬP KẾ HOẠCH NĂM MỚI


Chỉ với một dòng tin nhắn hỏi thăm “em dạo này sao rồi?”, đứa em chơi chung nhắn lại cho tôi một tràng: nào là tiếng Hàn của e chưa được tốt lắm, em sẽ cố gắng trau dồi, nào là em đang học thêm tiếng Anh buổi tối để thực hiện ước mơ làm tiếp viên hàng không. Đọc tin nhắn của em xong, tôi giật mình: chẳng lẽ mình luôn thúc ép mọi người phải luôn có kế hoạch cuộc sống, phải luôn cố gắng phấn đấu đến nỗi chỉ cần tôi hỏi tới là phải trả lời răm rắp như thế.

 

Đúng thật, trước đây tôi luôn mong muốn mọi người làm gì cũng phải có kế hoạch rõ ràng. Vì chính tôi cũng thế. Nào là kế hoạch học tập, kế hoạch phát triển sự nghiệp, thời gian biểu, tiến trình công việc… Nhưng phải thừa nhận một điều là đa số đều không theo đúng kế hoạch vì hoàn cảnh thay đổi, vì tôi không còn mong muốn và cũng có điều vì tôi không đủ quyết tâm và cảm thấy áp lực khi chạy theo kế hoạch.

 

Đến giờ thì không phải tôi không còn lập kế hoạch mà là tôi linh động hơn và không còn ép mình rập khuôn nữa. Trước khi làm gì, đầu tiên cần làm là trả lời những câu hỏi “tại sao?” Tại sao mình phải làm việc này? Tại sao thế này mà không phải thế kia? Càng trả lời rõ ràng và tận gốc câu hỏi đó thì tôi sẽ biết mình có làm hay không? Phải làm như thế nào và kế hoạch phác thảo ra sẽ phù hợp với tôi hơn. Và đó cũng là cách để xác định rõ mục đích hay động lực thực hiện.

 

Nhưng để đặt ra và trả lời những câu hỏi “vì sao” đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thường thì mọi người nếu không hiểu bản thân hoặc trả lời đại khái thì chỉ là mặt nổi của vấn đề. Bạn muốn lập kế hoạch tập gym và bạn bắt đầu với câu hỏi tại sao bạn muốn tập gym. Nhiều người sẽ trả lời để có sức khỏe tốt hoặc để đẹp hơn. Đó là câu trả lời chưa đi sâu vào vấn đề. Ta tiếp tục hỏi tại sao bạn muốn có sức khỏe tốt, tại sao bạn phải đẹp hơn? Tại sao muốn khỏe đẹp thì phải tập gym mà không thay vì những điều khác? Tại sao phải tập gym ở phòng tập mà không tự tập ở nhà? Liên tục đặt ra những câu hỏi tại sao thì bạn sẽ đến tận cùng vấn đề và ngộ ra nhiều điều để kế hoạch khi bạn lập ra sẽ phù hợp hơn. Và khi môi trường hay vì vấn đề gì đó phải thay đổi kế hoạch thì bạn cũng biết phải thay đổi như thế nào.

 

Sau đó, có rất nhiều công cụ để lập kế hoạch mà bạn có thể tìm thấy chỉ với một lần hỏi google nên tôi sẽ không đề cập. Nào là kế hoạch phải cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, liên quan đến mục đích, giới hạn về thời gian (SMART)... Mà thật ra chính tôi cũng chưa áp dụng hiệu quả nên không biết chia sẻ như thế nào. Không nhất thiết khi muốn lập kế hoạch hay làm gì đó thì phải làm đúng theo những điều chỉ dẫn khuôn mẫu mà bản thân mình không áp dụng được. Hãy để bản kế hoạch đó là của riêng bạn, có thể nó không giống ai, không hoàn hảo nhưng bạn thực hiện được và đạt kết quả mới là điều quan trọng. Kế hoạch lập ra để mình đạt được hiệu quả mong muốn. Nếu thấy nó không hiệu quả thì cũng đừng gò ép bản thân phải theo mà hãy thay đổi để nó phù hợp hơn.

 

Đừng vì cố theo một kế hoạch không phù hợp với mình để rồi nản chí mà bỏ luôn mục tiêu. Quan trọng vẫn là kiên trì theo đuổi mục tiêu và kiên nhẫn với chính mình.


BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

 


Nếu để ý thì bạn sẽ thấy trên cover trang fanpage của mình có đề dòng chữ “Hãy đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp với tinh thần cởi mở, chọn lọc”. Đó là điều mình muốn nói đầu tiên trên hành trình phát triển bản thân của mỗi người.

Chúng ta sinh ra và lớn lên trong cơ thể khác nhau về tâm sinh lý, những hoàn cảnh, môi trường, sự giáo dục, trải nghiệm cũng khác nhau nên mỗi người sẽ có những tính cách, quan điểm, nhận thức khác nhau. Những gì chúng ta có ở hiện tại là kết quả tích lũy của cả một quá trình phát triển. Nếu bản thân cứ khư khư ôm chặt những điều đó và cho rằng những điều đó luôn đúng đắn và thế là đủ cho hành trình phát triển của mình thì chúng ta mãi là con người của hiện tại, liệu có phát triển?

Nếu muốn bản thân hôm nay tốt hơn hôm qua thì bản thân phải mở lòng đón nhận những điều mới, tốt đẹp hơn, khác với những gì xưa cũ để nâng tầm bản thân. Do đó, bước đầu tiên là phải lắng nghe, học hỏi. Chỉ đơn giản là lắng nghe, nghe xem ý kiến, quan điểm của người khác như thế nào. Phải lắng nghe với tinh thần cởi mở, nghĩa là không phán xét đúng sai, không ở trong trạng thái phòng thủ, chống đối khi thấy ý kiến, quan điểm của người khác không giống mình, cũng không tán thưởng, nhiệt liệt hưởng ứng khi thấy họ đồng quan điểm với mình. Chỉ đơn giản là nghe để thấy rằng trên đời này cũng có người suy nghĩ khác hoặc giống mình. Rồi từ đó mới xem xét quan điểm đó tại sao khác mình, tại sao mình cũng có cùng quan điểm đó. Khi hiểu được tận gốc vấn đề, mình sẽ ngộ ra được điều gì đó để phát triển bản thân tốt hơn.

Còn nếu bản thân không hiểu rõ được quan điểm nào đó cũng không sao. Đơn giản là hiện tại quan điểm đó chưa phù hợp với mình hoặc bản thân chưa đủ kiến thức và trải nghiệm để hiểu những điều đó. Nếu thấy nó hay và ý nghĩa thì cứ giữ đó, đến một lúc nào đó bản thân sẽ tự hiểu và ứng dụng được trong cuộc sống.

Đó là những thông điệp tích cực. Còn nếu là những điều tiêu cực và bản thân biết chắc chắn là sai lầm thì tất nhiên bản thân phải phản bác nhưng vẫn với tinh thần xây dựng, văn minh nếu nó không gây hại hay đi ngược lại luân thường đạo lý. Cũng chẳng cần đối phương phải hiểu ra ngay và thay đổi, bởi chính mình cũng đã có thể chấp nhận ngay quan điểm khác mình chưa. Mình thấy có trách nhiệm phải lên tiếng thì lên tiếng, thế thôi.

Hãy hiểu rằng tất cả những điều sách báo được phép lưu truyền bởi vì giá trị của nó thì tất cả những điều đó đều đến từ thực tế, từ những trải nghiệm xương máu của tác giả. Nó rất thực tế, ít nhất là đối với tác giả, người đã trải qua những chuyện đó. Sở dĩ ta có thể phán rằng: “đó chỉ là lý thuyết suông” thì chắc chắn là do ta chưa biết ứng dụng nó trong cuộc sống hoặc nó chưa phù hợp với ta ở giai đoạn này. Hãy mở lòng đón nhận và thử áp dụng trong cuộc sống, chọn lọc những điều phù hợp với mình. Đừng đóng sầm cơ hội phát triển bản thân lại chỉ vì nghĩ rằng nó là lý thuyết suông không thực tế.

Giống việc thử ăn một món lạ. Nhiều người nói nó ngon nhưng vì ta chưa ăn bao giờ, ta thấy màu sắc hoặc ngửi mùi không hấp dẫn, nhiều dầu mỡ hoặc không có đặc điểm giống những món khoái khẩu của mình nên ta từ chối thử nó. Nhưng khi hiểu được cảm nhận về món ăn chỉ dựa vào những món ta đã ăn qua thì có phần hạn hẹp, ta có thể mở lòng thử một chút, biết đâu nó hợp khẩu vị của ta. Còn trường hợp biết món đó chứa thực phẩm bản thân dị ứng hoặc nó không tốt cho sức khơẻ thì tất nhiên là không ăn rồi.

Như bài viết này hoặc những bài khác trên fanpage, hãy đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi mở, chọn lọc. Luôn tự hỏi mình đã hiểu rõ thông điệp chưa và đừng bám vào mặt chữ, lời nói mà đôi co, chất vấn, bởi ngôn ngữ cũng có mặt hạn chế của nó. Bản thân mình luôn tự thấy: không phải mình không có kỹ thuật viết hoặc không biết truyền tải, nhưng thật sự ngôn ngữ đôi khi chưa thể diễn tả hết những gì mình muốn chia sẻ. Nên một lần nữa, hãy dùng trái tim để cảm nhận và đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi mở, chọn lọc.