Nhãn

VUI NHANH HAY GIÁO DỤC LÂU DÀI

 


Chiếc xe 52 chỗ chở 18 người chúng tôi đến một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Vĩnh Long. Để đến với ngôi trường tiểu học Tân Mỹ B, thầy cô phải đón chúng tôi bằng những chiếc xe máy để vượt qua con đường dài hơn 3km, nhỏ hẹp, lọt tỏm giữa khoảng trống mênh mông của những ruộng lúa xanh ngát.


Phải về những vùng quê như thế này tôi mới được sống lại cảm giác yêu quý, kính trọng thầy cô của những đứa trẻ làng. Chỉ cần thấy thầy cô chạy xe ngang qua, chúng nó liền đứng nghiêm chào hỏi lễ phép. Thế mới thấy nghề giáo cao quý thế nào. Mê chi cái hào nhoáng tiện nghi của đô hội mà cố sức bám trụ, chạy chọt để dạy ở thành phố, cứ về quê, tuy nghèo nhưng cái tình người, tình nghề vẫn mãi tươi xanh.


Đến trường, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây là ngôi trường đa số là học sinh dân tộc Khơ-me. Nơi đây giáo dục cũng được quan tâm nhưng do đời sống người dân nghèo khó, cơm không đủ no, nhà không đủ ấm thì ai mà quan tâm con cái học hành ra sao. Nhìn những đứa nhỏ vui tươi cười đùa trong cái thiếu thốn đó mà cảm thấy chạnh lòng.


Sau khi phân chia các phần quà cho các bé, chúng tôi ra sân để bơm bong bóng và phát cho những bạn nhỏ. Đối với những đứa bé vùng phát triển, có lẽ chúng nó sẽ chẳng màng đến việc xin xỏ mấy cái bong bóng nhàm chán. Nhưng đối với bọn trẻ ở đây, chúng thật sự thích thú đến nỗi chen lấn nhau để lấy. Tiếng nài nỉ “con nữa thầy” ” cho con đi chú” khiến tôi ước mình có thể phân thân để đáp ứng nhu cầu của tụi nó.


Biết rằng đến đây để làm một cái trung thu vui vẻ cho các bé. Nhưng mong muốn của tôi lại cao hơn. Tôi muốn tạo ra một kỷ niệm thay đổi cách ứng xử của tụi nhỏ. Tôi buồn khi những đứa bé đã có bong bóng chơi rồi nhưng vẫn chen lấn xin thêm, mặc cho những người bạn của mình vẫn đứng đó chờ đợi được chạm tay vào quả bong bóng. Tôi hy vọng tinh thần sẻ chia, biết đủ thường vui sẽ được ươm mầm cho những thế hệ mới này. Nhưng đáng buồn hơn là cả những phụ huynh cũng đứng ra bảo chúng tôi cho con họ trước. Ngay cả họ cũng như thế thì ai là người truyền thụ cho chúng cái đạo lý quan tâm người khác kia.


Dù đã cố nở nụ cười trên môi để trông thân thiện nhưng cái cảm xúc bất đồng với hành động của những người xung quanh khiến tôi trông giận dữ. Tôi không muốn bọn trẻ cứ lộn xộn, chen lấn nhau như thế, chúng phải học cách xếp hàng và tuân thủ quy định . Thật không ngờ, chỉ sau khi tôi băt tụi nó xếp hàng thì một hàng dọc đã hình thành. Chúng nó ngoan dễ sợ. Nhân đây cũng xin lỗi tụi con vì đã quá khắt khe và chưa thân thiện với tụi con làm cho buổi trung thu chưa thật sự hoàn hảo. Và cũng xin lỗi câu lạc bộ, có lẽ mình đã làm méo mó hình ảnh của người làm tình nguyện. Nhưng dù chỉ là khoảng cách, bản thân vẫn muốn tạo ra những bài học lâu dài. Có thể bây giờ tụi nhỏ chưa hiểu tại sao phải xếp hàng, nhưng rồi khi lớn lên, chúng nó phải sống theo những quy định thì hy vọng chúng nó sẽ nhớ đến kỷ niệm ngày hôm nay.


Chính vì thấy tôi hơn căng với bọn trẻ nên một chị trong đoàn đến để làm không khí dịu xuống. Và đến tối, tôi và chị đã có giờ tâm sự với nhau. Tôi tâm sự những dự định tình nguyện tương lai của mình và chị chia sẻ rất nhiều chuyện. Điều đọng lại cho tôi khiến tôi phải ghi nhớ đó là: dù tâm trạng của mình như thế nào, hoàn cảnh của mình như thế nào, mình cũng phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của mình (học hành, đi làm, bổn phận với gia đình, người thân…) và dù mong muốn giúp đỡ người khác là tốt nhưng phải đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và nhu cầu của những người trong gia đình.


Tôi thấy mình thật nhỏ bé và khả năng hạn hẹp, làm sao tôi có thể sống với lý tưởng quá xa vời như vậy. Ngài đòi hỏi con nhiều quá hay chính con đang ảo tưởng về bản thân mình???


Tình Nguyện trung thu tại trường tiểu học Tân Mỹ B, Trà Môn, Vĩnh Long, ngày 10-11/9/2016

SỐNG TRỌN VẸN CUỘN ĐỜI CỦA MÌNH

 


Sống cuộc đời của mình để người khác được sống cuộc đời của họ.
Con người sống trong cộng đồng và có sự ràng buộc, ảnh hưởng nhất định với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mình phải hy sinh cuộc đời của mình cho người khác hay phải quản việc của họ nếu điều đó không xuất phát từ mong muốn tốt lành của bản thân. Bởi khi đó, sự hy sinh này sẽ kèm với điều kiện người kia phải thế này thế kia. Chính vì điều đó lại khiến cho người khác không thể tự do sống cuộc đời của họ.
Đôi khi người ta dùng danh nghĩa vì yêu thương, quan tâm nên mới lo lắng, muốn người khác phải sống thế này thế kia. Đúng là ở phương diện của bản thân thì sống như thế là tốt thật, nhưng đối với người khác, điều đó chưa chắc đã tốt và phù hợp với mong muốn của họ.
Có bao giờ ta nhìn nhận lại điều ẩn chứa bên trong "vỏ bọc vì yêu thương đó" là vấn đề gì nơi bản thân không? Vì muốn tốt cho sức khoẻ của người yêu nên hay cằn nhằn, bắt họ bỏ hút thuốc. Điều đó xuất phát vì tình yêu hay vì lý do nào khác nơi bản thân mình (vì mình không thể chịu nổi mùi thuốc...). Nếu vì tình yêu thì có lẽ người đó sẽ tìm hiểu vì sao người yêu hút thuốc, vì áp lực công việc, vì thói quen... Từ đó mà giải quyết vấn đề bên trong đó của người yêu, khiến họ có mong muốn bỏ thuốc: chia sẻ áp lực, từ từ cùng họ vượt qua thói quen hút thuốc... Cằn nhằn, ép buộc có khiến họ tình nguyện bỏ thuốc không hay chỉ khiến cuộc sống của mình và người đó thêm nặng nề. Nếu đã cho họ đủ tình yêu mà họ vẫn không thay đổi thì bản thân mình, một là chấp nhận, hai là ra đi. Ra đi hay chấp nhận bên họ đều là hành động sống vì cuộc đời của mình chứ không phải vì hy sinh, chịu đựng vì họ. Đến bản thân họ còn không muốn cuộc đời của họ tốt hơn thì sự hy sinh của mình có giúp họ sống tốt hơn không?
Mặt khác, khi đã quá yêu thương, bao bọc người khác thì có phải mình đã tước đi quyền va vấp, trải nghiệm và trưởng thành của họ. Rồi một ngày không còn ta, họ sẽ sống thế nào?
Cho nên, tôi tin chắc rằng nếu bản thân tập trung sống tốt cuộc đời của mình thì mọi người xung quanh đều có thể sống cuộc đời của họ.

BÀI HỌC CẢM NHẬN QUA PHIM BỐ GIÀ

 


Một câu nói được nhắc lại rất nhiều từ Quắn: “mỗi người một cuộc sống, bớt sống giùm người khác”. Câu nói này cũng được Dì Cẩm Lệ nói với bố già. Và tôi nghĩ, ngoài đề cao tình cảm gia đình thì đó cũng chính là thông điệp mà bộ phim muốn nhắn gửi.

 

Quắn nhắc câu nói đó nhiều lần, có lẽ Quắn đang sống theo phương châm đó. Nhưng theo tôi, Quắn cũng chưa sống đúng tinh thần này khi mong muốn, thúc ép bố già sống theo cách của Quắn. Những gì mình thấy tốt với bản thân mình, chưa chắc đã tốt với người khác. Cuộc sống của mỗi người, nếu họ đủ khả năng quản lý cuộc đời họ thì để họ sống của đời của họ.

 

Người mà tôi thấy, dù không thể hiện nhiều nhưng sống đúng tinh thần đó, chính là Dì Cẩm Lệ và bé Bù Tọt. Cẩm Lệ cũng là nhân vật tôi thích nhất bộ phim và là nhân vật duy nhất có mảng hài mà khiến tôi cười.

 

Cẩm Lệ thương bố già nhưng không đòi buộc bố già phải lấy mình, chỉ quan tâm, chăm sóc vì điều đó xuất phát từ tình yêu và cảm thấy vui với việc đó. Cẩm Lệ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của bố già, nhiều lúc muốn mắng chửi những người làm tổn thương bố già nhưng lại thôi, vì không có danh phận. Khi khuyên bảo Quắn xin lỗi cha mình sau cuộc cãi vã trong bữa tiệc tân gia, Cẩm Lệ cũng nói rõ là cho phép Dì nhiều chuyện, chứ không lấy danh nghĩa người lớn mà phán xét Quắn là người sai và phải làm thế này thế kia. Khi hai cha con cãi nhau vì cả hai im lặng mà bán nhà thì Cẩm Lệ vẫn trung lập, không ở tư cách người yêu Bố già để bảo vệ bố già mà la mắng Quắn, cũng không lấy tư cách một người hiểu Quắn mà trách móc bố già. Cẩm Lệ chỉ phân định tình huống đó nên giải quyết làm sao. Chính câu nói “mày lo hàng của mày đi, hàng của tao để tao lo” thể hiện rõ cách giải quyết của Diễm Lệ. Rồi khi Bố già tỏ tình, Cẩm Lệ thể hiện rất tinh tế sự vui sướng, hạnh phúc có chút bẽn lẽn, đáng yêu của mình, không cần che đậy, làm giá. Và còn rất nhiều tình tiết thể hiện Cẩm Lệ đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình và cho phép người khác sống cuộc đời của họ.

 

Bé Bù Tọt cũng sống rất tốt cuộc đời của mình, không cần phân định đâu là ba mình, đâu là ông nội. Chỉ biết một điều mình dành tình cảm cho ai nhiều và mong muốn của bản thân là gì. Nếu mãi trách cứ tại sao ông ngoại che giấu thân phận, tại sao ba không thương con thì có phải cuộc đời Bù Tọt sẽ tồi tệ và cuộc sống của những người khác cũng khó thở sao? Yêu thương là yêu thương, không phải vì người đó là ông nội hay cha đẻ. Người lớn thường bị những trách nhiệm, danh xưng của mối quan hệ mà lãng quên yêu thương mới là gốc rễ.

 

Cũng theo đó mà cách thể hiện yêu thương giữa những thành viên trong gia đình mới có vấn đề. Đầu tiên là yêu thương qua sự quát mắng, khó chịu. Nó thể hiện rất rõ trong gia đình bố già, trong dòng họ nhà bố già, thậm chí nó còn thể hiện qua phân cảnh gia đình bạn của Bù Tọt đùn đẩy nhau nghe điện thoại, lớn tiếng với con vì cuộc điện thoại của nó. Điều này chắc chắn cũng tồn tại trong rất nhiều gia đình.

 

Bố già yêu con nhưng hay càm ràm, tự quyết định cuộc sống của Quắn theo cách ông cho là tốt. Và chính Quắn sống trong hoàn cảnh như thế nên cách thể hiện tình yêu với cha mình cũng được xem là học hỏi từ cha: hay càm ràm cha và tự quyết định cha mình phải sống thế nào mới tốt cho cha. Và cả dòng họ bố già đều như thế: sự yêu thương được bao bọc bởi sự quát mắng, khó chịu nhau dù vô tình hay cố ý. Chung quy lại thì người bị tổn thương thì lại làm người khác tổn thương y như vậy. Chính vì yêu thương bị kìm nép mà không biết cách diễn đạt mới phát sinh đòi hỏi thấu hiểu. Câu quát của bố già: “Đù má, tao thương mày” thể hiện rất rõ những yêu thương kìm nén đó. Nếu yêu ai đó mà họ không cảm nhận được thì hãy thay đổi cách yêu, chứ không nên ngừng yêu.

 

Tiếp theo là sự hy sinh: yêu thương thì phải hy sinh. Bố già vì yêu Quắn mà che giấu, nhận con của Quắn là con của mình và làm cha thay cho Quắn. Và khi mọi chuyện được phơi bày thì nhận lại sự trách móc của Quắn. Vấn đề đặt ra là cho Quắn biết sự thật khi cậu mới chia tay người yêu và chán đời đến mức muốn tự tử hay để sự thật bị phơi bày khi cậu đang trên đỉnh của sự nghiệp với bao sự tự hào, sung sướng. Đau khổ, bẽ bàng thì trường hợp nào cũng có và chẳng thể nào so sánh cái nào tốt hơn, hay cái nào bớt đau khổ hơn. Vẫn phải chọn lựa và chấp nhận, và phải hiểu rằng mỗi hoàn cảnh đều có bài học riêng của nó. Giờ chỉ xét việc bố già làm cha hộ Quắn khiến Quắn không biết cách làm cha. Làm sao đòi buộc Quắn phải làm một người cha tốt khi mới biết được sự thật. Chẳng phải bài học của mỗi người thì phải để họ tự trải nghiệm và học lấy, chứ không thể học giùm người khác được. Dù có chỉ họ thế này thế kia thì họ cũng chỉ hiểu và biết thế, phải tự họ trải thì mới nghiệm ra. Cho nên theo tôi, sự hy sinh nào cũng đáng được trân quý. Nhưng yêu thương không nhất thiết phải hy sinh cái mình có để cho người khác chỉ vì mình nghĩ nó tốt cho họ, mà là cho họ cái họ cần với sự tự nguyện, yêu thương của bản thân.

 

Tôi sẽ dùng câu này để phân tích việc cho thận để cứu bố già. Xin thận từ những người trong dòng họ thì họ cho hay không thì đó là sự tự nguyện của họ chứ chẳng ai có thể phán xét “không cho là ích kỷ, không có tình thương”. Người trong dòng họ thì cũng có cấp độ của sự yêu thương. Không thể lấy thận của con mà cho em trai vì con thì quan trọng hơn em, không thể bỏ rơi vợ để cứu anh trai vì vợ quan trọng hơn anh trai...

 

Với tư cách người con, Quắn từ bỏ cái tôi và sự hiềm khích từ trước tới giờ để quỳ gối xin họ hàng cho thận đã rất đáng được trân trọng rồi. Quắn đã làm tất cả những gì có thể để cứu cha mình. Hành động đó của Quắn không mang lại thận cho bố già nhưng nếu bố già biết sự hy sinh đó của Quắn thì nó mới là điều bố già cần, rằng ông biết rằng con trai ông yêu ông giường nào, chứ không nhất thiết con mình phải hy sinh tính mạng vì mình.

 

Không nhất thiết Quắn phải cố chấp bắt cha mình nhận thận của mình. Vì điều đó gây ra xung đột và khó chịu cho hai cha con. Ai cũng muốn ở cương vị của người hy sinh để thỏa sự yêu thương của mình. Nhưng điều đối phương cần vẫn là được yêu thương chứ không phải sự hy sinh của người khác để bản thân cảm thấy có lỗi. Yêu thương không đúng cách sẽ trở thành gánh nặng.

 

Bố già nói với Bù Tọt vô ngủ với Quắn và hãy yêu thương Quắn, đó cũng chính là điều ông muốn Quắn làm cho chính mình. Quắn chỉ cần yêu thương ông trong quãng thời gian còn lại, thế là đủ. Bởi trong tình huống của hai cha con, ai là người hy sinh thì cũng khiến người kia khó lòng thoải mái.

 

Nhưng để thỏa lòng Quắn, cuối cùng ông cũng chấp nhận thận của Quắn. Tưởng rằng Quắn hy sinh thận cho bố nhưng có khi bố già lại là người hy sinh, vì trường hợp cả 2 cha con bình an khá thấp, còn trường hợp một trong hai người chết hoặc cả hai đều chết thì cao hơn. Nếu hai trường hợp xấu xảy ra thì chẳng phải bố già vẫn là người phải chịu đựng đau khổ sao? Cha mẹ thì lúc nào chả hy sinh cho con cái.

 

Cuộc phẫu thuật chỉ là biến cố để hai người học được bài học của mình. Bài học về việc yêu thương cũng cần đúng cách để mỗi người đều hạnh phúc sống trọn vẹn cuộc đời của mình.

 

Nếu nhận xét ngắn gọn thì đối với tôi, đây là bộ phim đáng xem. Bộ phim đặt ra rất nhiều vấn đề trong đời sống và dù mọi người có nhận ra lời giải đáp hay không thì nó cũng đã tạo cảm xúc cho người xem suy ngẫm. Tôi không tham lam mà muốn chia sẻ hết những gì tôi cảm nhận từ bộ phim qua bài viết này, bởi bộ phim tải quá nhiều vấn đề và mỗi nhân vật và tình tiết đều đáng để phân tích. Hãy cảm nhận và yêu thương gia đình nhiều hơn.


TẶNG QUÀ


 

Món quà chứa đựng hai phần: vật chất và tinh thần. Tuỳ thuộc mục đích của người tặng muốn thể hiện điều gì mà quyết định hình thức của món quà. Món quà, tự bản chất nó không quyết định hoàn toàn rằng nó chứa bao nhiêu tình cảm, giá trị vật chất nặng bao nhiêu, mà tùy vào cảm nhận của mỗi người. Dù giá cả đã được xác định trên thị trường nhưng tùy vào kinh tế của người tặng và người được tặng mà món quà đó được xem là đắt tiền hay không. Còn về mặt tình cảm thì càng không thể đo đếm.

Tôi thì luôn đề cao mặt tinh thần và dấu ấn cá nhân nên tôi thích tự mình nghĩ ra những món quà đặc biệt. Dù là tự tay làm hay mua sẵn, tôi cũng sẽ thêm vào đó những điều khác biệt cho món quà. Người nhận sẽ thấy món quà đó dành riêng cho họ, tôi cho đó là nâng cao giá trị tinh thần, còn việc người nhận có cảm nhận như thế nào, tôi không kiểm soát được.

Đối với tôi, việc tặng quà trước hết phải thoả mãn được người tặng. Nghĩa là giúp đạt được mong muốn của người tặng. Vì muốn thể hiện tình cảm, vì muốn được lòng đối phương... Tôi thường tặng quà vì tôi thích, tôi muốn, chứ không phải vì dịp lễ là phải tặng quà; để được chú ý, yêu thương thì phải biếu tặng. Bởi mọi việc tôi làm đều phải xuất phát từ mong muốn của bản thân, không nhất thiết phải theo số đông. Và nhất là, khi kỳ vọng sẽ nhận được điều gì đáp trả từ quà mình tặng, việc suy nghĩ tặng gì, tặng như thế nào khiến tôi không thoải mái và liệu rằng sau khi tặng quà với tâm thế đó, tôi có đạt được điều mình muốn. Tôi thích dùng tình cảm đổi lấy cảm tình hơn.

Cũng may là tôi không có nhiều mối quan hệ xã hội, vì chạy theo cách sống xã giao thì đôi khi cũng cần phải giao thiệp theo cách mọi người mong muốn.

Cho nên, xin đừng dùng số lượng quà tặng hay lời chúc trong những dịp lễ để đong đếm giá trị bản thân hay tình cảm tôi dành cho bạn. Có khi việc ghi nhớ chúc mừng những ngày lễ đó là do tôi dụng tâm làm vui lòng bạn, mà có thế đi nữa, cũng bởi vì bạn có giá trị đối với tôi. Hãy dùng trái tim để cảm nhận.

Đó cũng là quan điểm của tôi khi ở cương vị người nhận. Quà tặng quan trọng ở tấm lòng. Biết ơn và trân trọng tất cả nhưng không nhất thiết phải có qua có lại nếu như không muốn.


SỢ HÃI ĐAU KHỔ, TỪ CHỐI YÊU THƯƠNG

 


Khi xây hàng rào để bảo vệ căn nhà khỏi kẻ trộm, người ta cũng cản trở những vị khách quý đến viếng thăm. Sợ bị lừa gạt, thất bại, mất mát nên bở lỡ luôn cơ hội.

Không muốn bị đau khổ, tổn thương là cơ chế phòng vệ tự nhiên của mỗi người, nhưng có bao giờ bạn nghĩ chính cơ chế phòng vệ đó cũng sẽ khiến bạn không cảm nhận được hạnh phúc, yêu thương?

Tôi chính là nạn nhân của cơ chế đó.

Tôi sợ hãi những lời phán xét tiêu cực của người khác. Điều đó khiến tôi đau nên tôi học cách phớt lờ chúng. Chính cách phớt lờ đó cũng xảy ra với những lời khen tặng dành cho tôi. Tôi không biết đáp lại lời khen đó như thế nào, tôi không thấy hãnh diện hay vui vẻ như bao người, thậm chí tôi còn cho đó là một lời châm chọc, không thật lòng.

Tôi sợi hãi tiệc tùng vì trong một đám đông, bản thân tôi nghi ngại sẽ trở thành chủ đề để người khác bàn tán. Tôi né tránh những buổi gặp đông người, tôi muốn được an toàn, tôi không muốn gặp những người khinh chê mình. Nhưng tôi dần mất đi niềm vui và cơ hội tiếp xúc với những người yêu thương, những kết nối hỗ trợ mình phát triển. Tôi không biết phải phản ứng như thế nào khi tiệc tùng, tôi co ro bảo vệ mình. Thậm chí những người thân yêu trong gia đình tổ chức một buổi sinh nhật bất ngờ cho tôi, tôi cũng không cảm xúc, không biết phải phản ứng “thế nào mới vui”.

Tôi sợ hãi yêu đương, tôi sợ bị lừa dối. Tôi che giấu rung động với những người tôi không chắc họ sẽ trân trọng tình cảm của mình. Tôi dặn lòng “không yêu, không đau khổ”. Tôi không còn biết rung động và trở nên nghi ngờ liệu tình yêu có thật sự tồn tại.

Và rất nhiều cơ chế “sợ hãi bảo vệ mình” khiến tôi đánh mất luôn những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đè nén sự nhạy cảm, bản năng cảm nhận cuộc sống để bớt đau khổ, tổn thương. Và rồi tôi cũng mất cảm xúc với những yêu thương tốt đẹp.

Để rồi giờ đây, tôi thấy mình nhạt nhẽo và cuộc sống vô vị. Tôi không muốn tiếp tục sống cuộc đời như vậy. Tôi học cách đón nhận đau khổ để biết cách đón nhận hạnh phúc. Tôi học cách chấp nhận mất mất để biết cách đón nhận những điều tốt lành. Tự tôi phải phá vỡ bức tường phòng thủ của mình để chào đón những trải nghiệm của kiếp người. Và rồi tôi nhận ra, đau khổ, mát mất hay những thứ mà tôi sợ hãi bấy lâu nay cũng đều có vẻ đẹp riêng của nó. Nó cho tôi bài học và cho tôi biết trân quý, tận hưởng hạnh phúc, yêu thương trọn vẹn hơn.

Do đó, hãy mở rộng con tim đón nhận tất cả những điều đến với cuộc đời mình, đừng sợ hãi bất cứ điều gì mà bỏ lỡ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.