Một câu nói được nhắc lại rất nhiều từ Quắn: “mỗi người một
cuộc sống, bớt sống giùm người khác”. Câu nói này cũng được Dì Cẩm Lệ nói với bố
già. Và tôi nghĩ, ngoài đề cao tình cảm gia đình thì đó cũng chính là thông điệp
mà bộ phim muốn nhắn gửi.
Quắn nhắc câu nói đó nhiều lần, có lẽ Quắn đang sống theo
phương châm đó. Nhưng theo tôi, Quắn cũng chưa sống đúng tinh thần này khi mong
muốn, thúc ép bố già sống theo cách của Quắn. Những gì mình thấy tốt với bản
thân mình, chưa chắc đã tốt với người khác. Cuộc sống của mỗi người, nếu họ đủ
khả năng quản lý cuộc đời họ thì để họ sống của đời của họ.
Người mà tôi thấy, dù không thể hiện nhiều nhưng sống đúng
tinh thần đó, chính là Dì Cẩm Lệ và bé Bù Tọt. Cẩm Lệ cũng là nhân vật tôi
thích nhất bộ phim và là nhân vật duy nhất có mảng hài mà khiến tôi cười.
Cẩm Lệ thương bố già nhưng không đòi buộc bố già phải lấy
mình, chỉ quan tâm, chăm sóc vì điều đó xuất phát từ tình yêu và cảm thấy vui với
việc đó. Cẩm Lệ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của bố già, nhiều lúc muốn
mắng chửi những người làm tổn thương bố già nhưng lại thôi, vì không có danh phận.
Khi khuyên bảo Quắn xin lỗi cha mình sau cuộc cãi vã trong bữa tiệc tân gia, Cẩm
Lệ cũng nói rõ là cho phép Dì nhiều chuyện, chứ không lấy danh nghĩa người lớn
mà phán xét Quắn là người sai và phải làm thế này thế kia. Khi hai cha con cãi
nhau vì cả hai im lặng mà bán nhà thì Cẩm Lệ vẫn trung lập, không ở tư cách người
yêu Bố già để bảo vệ bố già mà la mắng Quắn, cũng không lấy tư cách một người
hiểu Quắn mà trách móc bố già. Cẩm Lệ chỉ phân định tình huống đó nên giải quyết
làm sao. Chính câu nói “mày lo hàng của mày đi, hàng của tao để tao lo” thể hiện
rõ cách giải quyết của Diễm Lệ. Rồi khi Bố già tỏ tình, Cẩm Lệ thể hiện rất
tinh tế sự vui sướng, hạnh phúc có chút bẽn lẽn, đáng yêu của mình, không cần
che đậy, làm giá. Và còn rất nhiều tình tiết thể hiện Cẩm Lệ đã sống trọn vẹn
cuộc đời của mình và cho phép người khác sống cuộc đời của họ.
Bé Bù Tọt cũng sống rất tốt cuộc đời của mình, không cần
phân định đâu là ba mình, đâu là ông nội. Chỉ biết một điều mình dành tình cảm
cho ai nhiều và mong muốn của bản thân là gì. Nếu mãi trách cứ tại sao ông ngoại
che giấu thân phận, tại sao ba không thương con thì có phải cuộc đời Bù Tọt sẽ
tồi tệ và cuộc sống của những người khác cũng khó thở sao? Yêu thương là yêu
thương, không phải vì người đó là ông nội hay cha đẻ. Người lớn thường bị những
trách nhiệm, danh xưng của mối quan hệ mà lãng quên yêu thương mới là gốc rễ.
Cũng theo đó mà cách thể hiện yêu thương giữa những thành
viên trong gia đình mới có vấn đề. Đầu tiên là yêu thương qua sự quát mắng, khó
chịu. Nó thể hiện rất rõ trong gia đình bố già, trong dòng họ nhà bố già, thậm
chí nó còn thể hiện qua phân cảnh gia đình bạn của Bù Tọt đùn đẩy nhau nghe điện
thoại, lớn tiếng với con vì cuộc điện thoại của nó. Điều này chắc chắn cũng tồn
tại trong rất nhiều gia đình.
Bố già yêu con nhưng hay càm ràm, tự quyết định cuộc sống của
Quắn theo cách ông cho là tốt. Và chính Quắn sống trong hoàn cảnh như thế nên
cách thể hiện tình yêu với cha mình cũng được xem là học hỏi từ cha: hay càm
ràm cha và tự quyết định cha mình phải sống thế nào mới tốt cho cha. Và cả dòng
họ bố già đều như thế: sự yêu thương được bao bọc bởi sự quát mắng, khó chịu
nhau dù vô tình hay cố ý. Chung quy lại thì người bị tổn thương thì lại làm người
khác tổn thương y như vậy. Chính vì yêu thương bị kìm nép mà không biết cách diễn
đạt mới phát sinh đòi hỏi thấu hiểu. Câu quát của bố già: “Đù má, tao thương
mày” thể hiện rất rõ những yêu thương kìm nén đó. Nếu yêu ai đó mà họ không cảm
nhận được thì hãy thay đổi cách yêu, chứ không nên ngừng yêu.
Tiếp theo là sự hy sinh: yêu thương thì phải hy sinh. Bố già
vì yêu Quắn mà che giấu, nhận con của Quắn là con của mình và làm cha thay cho
Quắn. Và khi mọi chuyện được phơi bày thì nhận lại sự trách móc của Quắn. Vấn đề
đặt ra là cho Quắn biết sự thật khi cậu mới chia tay người yêu và chán đời đến
mức muốn tự tử hay để sự thật bị phơi bày khi cậu đang trên đỉnh của sự nghiệp
với bao sự tự hào, sung sướng. Đau khổ, bẽ bàng thì trường hợp nào cũng có và
chẳng thể nào so sánh cái nào tốt hơn, hay cái nào bớt đau khổ hơn. Vẫn phải chọn
lựa và chấp nhận, và phải hiểu rằng mỗi hoàn cảnh đều có bài học riêng của nó.
Giờ chỉ xét việc bố già làm cha hộ Quắn khiến Quắn không biết cách làm cha. Làm
sao đòi buộc Quắn phải làm một người cha tốt khi mới biết được sự thật. Chẳng
phải bài học của mỗi người thì phải để họ tự trải nghiệm và học lấy, chứ không
thể học giùm người khác được. Dù có chỉ họ thế này thế kia thì họ cũng chỉ hiểu
và biết thế, phải tự họ trải thì mới nghiệm ra. Cho nên theo tôi, sự hy sinh
nào cũng đáng được trân quý. Nhưng yêu thương không nhất thiết phải hy sinh cái
mình có để cho người khác chỉ vì mình nghĩ nó tốt cho họ, mà là cho họ cái họ cần
với sự tự nguyện, yêu thương của bản thân.
Tôi sẽ dùng câu này để phân tích việc cho thận để cứu bố
già. Xin thận từ những người trong dòng họ thì họ cho hay không thì đó là sự tự
nguyện của họ chứ chẳng ai có thể phán xét “không cho là ích kỷ, không có tình
thương”. Người trong dòng họ thì cũng có cấp độ của sự yêu thương. Không thể lấy
thận của con mà cho em trai vì con thì quan trọng hơn em, không thể bỏ rơi vợ để
cứu anh trai vì vợ quan trọng hơn anh trai...
Với tư cách người con, Quắn từ bỏ cái tôi và sự hiềm khích từ
trước tới giờ để quỳ gối xin họ hàng cho thận đã rất đáng được trân trọng rồi.
Quắn đã làm tất cả những gì có thể để cứu cha mình. Hành động đó của Quắn không
mang lại thận cho bố già nhưng nếu bố già biết sự hy sinh đó của Quắn thì nó mới
là điều bố già cần, rằng ông biết rằng con trai ông yêu ông giường nào, chứ
không nhất thiết con mình phải hy sinh tính mạng vì mình.
Không nhất thiết Quắn phải cố chấp bắt cha mình nhận thận của
mình. Vì điều đó gây ra xung đột và khó chịu cho hai cha con. Ai cũng muốn ở
cương vị của người hy sinh để thỏa sự yêu thương của mình. Nhưng điều đối
phương cần vẫn là được yêu thương chứ không phải sự hy sinh của người khác để bản
thân cảm thấy có lỗi. Yêu thương không đúng cách sẽ trở thành gánh nặng.
Bố già nói với Bù Tọt vô ngủ với Quắn và hãy yêu thương Quắn,
đó cũng chính là điều ông muốn Quắn làm cho chính mình. Quắn chỉ cần yêu thương
ông trong quãng thời gian còn lại, thế là đủ. Bởi trong tình huống của hai cha
con, ai là người hy sinh thì cũng khiến người kia khó lòng thoải mái.
Nhưng để thỏa lòng Quắn, cuối cùng ông cũng chấp nhận thận của
Quắn. Tưởng rằng Quắn hy sinh thận cho bố nhưng có khi bố già lại là người hy
sinh, vì trường hợp cả 2 cha con bình an khá thấp, còn trường hợp một trong hai
người chết hoặc cả hai đều chết thì cao hơn. Nếu hai trường hợp xấu xảy ra thì
chẳng phải bố già vẫn là người phải chịu đựng đau khổ sao? Cha mẹ thì lúc nào
chả hy sinh cho con cái.
Cuộc phẫu thuật chỉ là biến cố để hai người học được bài học
của mình. Bài học về việc yêu thương cũng cần đúng cách để mỗi người đều hạnh
phúc sống trọn vẹn cuộc đời của mình.
Nếu nhận xét ngắn gọn thì đối với tôi, đây là bộ phim đáng
xem. Bộ phim đặt ra rất nhiều vấn đề trong đời sống và dù mọi người có nhận ra
lời giải đáp hay không thì nó cũng đã tạo cảm xúc cho người xem suy ngẫm. Tôi
không tham lam mà muốn chia sẻ hết những gì tôi cảm nhận từ bộ phim qua bài viết
này, bởi bộ phim tải quá nhiều vấn đề và mỗi nhân vật và tình tiết đều đáng để
phân tích. Hãy cảm nhận và yêu thương gia đình nhiều hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét