Nhãn

LUYỆN NGHE NGOẠI NGỮ CHỦ ĐỘNG

 


Như mình đã nói trong bài trước, giai đoạn cảm âm chỉ có hiệu quả lúc ban đầu và chỉ có thể giúp bạn nhận biết, phân tách các âm giúp bạn nghe rõ âm chứ không thể nghe hiểu. Muốn nghe hiểu thì bạn phải luyện nghe chủ động, nghĩa là chú ý lắng nghe và cố gắng hiểu ý người nói.

Sau những tháng nghe mà không hiểu thì những đứa trẻ sẽ dần biết cách để hiểu ý người lớn nói gì. Chúng sẽ tự biết gán ghép lời nói của người lớn vào những sự vật, hành động mà chúng nhìn thấy. Những biểu hiện của cảm xúc, hành động của người nói và ngữ điệu cũng giúp chúng hiểu ngữ cảnh của từ ngữ khi nghe. Chúng ta học ngoại ngữ thì không có môi trường bản ngữ như đứa trẻ học nói. Do đó, để học một cách hiểu quả chính là tạo ra môi trường ngôn ngữ, việc học qua phim ảnh phần nào hữu ích vì các cảnh phim mô tả lại hoạt động sống có ngữ cảnh, sự vật, sự việc, âm thanh và cảm xúc chân thật.

Tiếp theo giai đoạn này thì những người xung quanh bắt đầu dạy trẻ những từ đơn như ba, mẹ, cơm, cháo… Giai đoạn này thì chúng bắt đầu hiểu người lớn nói gì nhưng lại không thể nói, chỉ có thể ú a ú ớ. Như thế, khi người lớn học ngoại ngữ cũng phải chấp nhận một sự thật là phải nghe hiểu trước khi nói được.

Có một điều mà khi học ngoại ngữ, người lớn khác trẻ em đó là người lớn phải hiểu mới nói lại được hay rất khó để nhớ được một câu, một cụm từ hay thậm chí là một từ đơn khi chúng ta không nhìn mặt chữ hoặc không hiểu. Do đó, thay vì theo tiến trình của đứa trẻ học nghe, nói, đọc, viết thì người lớn lại học nghe, đọc sau đó mới đến nói, viết.

Do đó, để luyện nghe hiểu thì nên kiếm tài liệu có âm thanh và phụ đề để vừa nghe, vừa đọc hiểu. Khi vừa nghe vừa nhìn mặt chữ thì não bộ sẽ đồng bộ âm thanh và chữ viết, giúp ghi nhớ tốt hơn.

Bước đầu tiên khi luyện nghe hiểu chủ động là đọc, dịch phụ đề để lọc từ vựng, học từ mới để hiểu nội dung bài nói rồi mới nghe xem mình hiểu được bao nhiêu. Sau đó vừa nghe vừa nhìn phụ đề đến khi tốc độ nghe hiểu ổn thì bỏ phụ đề đi, cứ nghe đi nghe lại bài đó cho đến khi bản thân nghe hiểu được nội dung hoặc theo kịp tiến độ của người nói.

Lúc này, chất lượng tốt hơn số lượng, nghĩa là đã học bài nào thì học cho đến khi nghe hiểu và nhớ được từ vựng của bài đó mới chuyển sang bài khác.

Hiện nay có rất nhiều kênh học tiếng anh nên tài liệu rất phong phú. Còn mình làm clip nhẹ nhàng, những câu chuyện nghe trước khi ngủ nên mình sẽ cố gắng làm engsub, vietsub và list từ vựng cho những bài nghe này. Hy vọng sẽ giúp được mọi người. Chúc các bạn học tốt.

TRUY CẬP KÊNH YOUTUBE:

https://www.youtube.com/channel/UCKAR4nna9j3oTAXkZR5r6XQ


NGẠI BẮT ĐẦU

 


Hôm qua, thật không may khi tôi tải tài liệu chứa virus về máy. Thế là nguyên đống dữ liệu trong máy đã bị phá hỏng. Phải cài lại máy và mất hết dữ liệu. Buồn, tiếc nuối, tự trách vì sao không cẩn thận với mấy phần mềm miễn phí trên mạng, nhưng biết làm sao bây giờ ngoài việc tự nhủ bản thân ráng lấy lại tinh thần rồi bắt tay vào làm lại từ đầu.

So với việc mất laptop vào giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp thì giờ còn đỡ hơn nhiều. Ít ra tôi chỉ tốn công làm lại những tài liệu đã mất chứ không phải bỏ tiền mua laptop mới. Biết là thế nhưng việc bắt đầu lại mọi thứ khiến tôi thật ngán ngẩm. Nghĩ đến biết bao nhiêu thứ phải làm khiến tôi chẳng muốn bắt đầu chút nào.

“Trước sau gì cũng phải làm, vậy tại sao phải nghĩ nhiều, cứ bắt tay vào làm rồi sẽ xong”. Nếu cứ đứng ngoài mà nhìn một núi công việc thì chẳng muốn làm đâu. Cứ xắn tay áo lên và lao vào thôi. Cảm giác khó chịu lúc đầu rồi sẽ dần quen. Chứ cứ chần chừ và nghĩ ngợi thì càng lười nhác và công việc thì càng chất chồng. Nghĩ thế, nguyên ngày hôm nay tôi đã tập trung làm lại những tài liệu quan trọng và bỏ qua những thứ không quá cần thiết.

Lúc trước laptop của tôi luôn đầy dữ liệu mà khi muốn dọn dẹp tôi cứ tiếc cái này, xót cái kia, thậm chí có những dữ liệu tôi biết sẽ hiếm khi mở ra nhưng lại không muốn bỏ. Xem ra qua tai nạn này, tôi cũng biết phải buông bỏ, dọn dẹp những thứ ít quan trọng để nhẹ nhàng, thoải mái và tập trung cho điều chính yếu hơn.

Đúng là trên đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Không phải cứ cố gắng thì sẽ đạt được điều mình muốn và mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Luôn có những trở ngại khiến bản thân nhụt chí. Khi gặp trở ngại, bản thân tôi luôn tự hỏi tại sao mình lại phải “sống khác” như vậy. Có phải lựa chọn “ngày đi làm, tối về ngủ” thì đỡ mông lung, vô định hơn không? Nhưng nói gì thì nói không ai có thể chắc chắn tương lai sẽ như thế nào nên không có lựa chọn nào tốt hơn lựa chọn nào. Đã quyết định thì phải quyết tâm tiến về phía trước cho đến khi bản thân nhận rõ đích đến là thành công hay thất bại.

Nếu lạc quan thì xem trở ngại này là thử thách, vượt qua được sẽ khiến bản thân mạnh mẽ hơn. Nếu bi quan chút thì đó lại là khó khăn rồi hoài nghi lựa chọn của bản thân. Thôi thì lựa chọn lạc quan.

Không có thứ gì trên đời bản thân có thể kiểm soát hoàn toàn cả. Chỉ biết cố gắng làm chủ bản thân để phòng tránh những điều đáng tiếc trong cuộc sống và luôn đối mặt với những thử thách với tinh thần lạc quan.

Trái đất vẫn cứ quay , mọi thứ vẫn phải vận hành. Nếu không cố gắng làm việc này thì cũng cố gắng làm việc khác. Chẳng thể mãi tự nhủ bản thân đang rất ổn hoặc ở lì để mãi tồn tại trong sự lười biếng được.


CỐ GẮNG BAO NHIÊU LÀ ĐỦ


 

Dù đã nghe danh tiếng nhiều lần nhưng chỉ sau những thành công vang dội của ca khúc Dynamite mới đưa tôi đến với BTS. Tôi bắt đầu ngưỡng mộ họ không đơn giản vì họ hát hay, nhảy đẹp hay có phong cách thu hút mà còn bởi vì tinh thần tích cực họ truyền tải qua âm nhạc. Tôi có thói quen tìm hiểu về hành trình phát triển của những người thành công để học hỏi. Và một lần nữa, tôi cảm phục họ vì những cố gắng dấn thân lớn lao trên bước đường theo đuổi đam mê. Điều đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.

Tôi cực kỳ bị xúc động khi chứng kiến những cố gắng, tinh thần chịu khó vươn lên của người khác. Chẳng khó hiểu khi tôi khóc trong lúc xem “Cuộc đua kỳ thú” hay bất cứ chương trình nào mà có cảnh nhân vật chấp nhận những khó khăn, thử thách, mãi không đầu hàng mà bất chấp mọi thứ để vượt qua.

Nếu vào trang facebook cá nhân của tôi, bạn sẽ thấy châm ngôn sống “Đừng chọn an nhàn vào lúc bản thân còn có thể cố gắng”. Tôi luôn tin rằng kiên trì cố gắng đúng cách thì sẽ thành công. Nếu chưa có kết quả thì một là kiên trì thêm, hai là cố gắng thêm, ba là thay đổi cách thức.

Vậy thì phải cố gắng như thế nào, cố gắng đến mức độ nào là hết sức. Cố gắng đến khi không có thời gian nghỉ ngơi, cố gắng đến phải nhập viện vì kiệt sức. Nếu thế thì tôi vẫn chưa cố gắng hết sức.

Chỉ có bản thân mới là người hiểu rõ nhất bản thân đã cố gắng hay chưa và đã cố gắng đến mức độ nào. Bản thân tôi, khi người khác nhìn vào, họ có thể thấy tôi không đi làm, không kiếm ra tiền, ngày ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà hay dán mắt vào màn hình laptop hay điện thoại. Họ có thể nói bất cứ điều gì tệ hại về tôi. Nhưng chỉ tôi mới biết rằng: có những hôm 23 giờ tôi vẫn chưa ngủ nhưng thức dậy lúc 4 giờ để làm gì và vì điều gì. Dù có cố gắng như thế nào thì những điều tôi làm có nghĩa gì khi cái mọi người cần là kết quả.

Kết quả là điều quan trọng, tôi đồng ý. Nhưng điều tôi nhắm đến vẫn là hưởng thụ quá trình. Chẳng ai biết chắc chắn rằng việc mình làm sẽ đem lại thành quả hay không. Nên quá trình sẽ vô nghĩa khi chỉ chăm chăm, thục mạng vì chờ đợi kết quả mà không được gì. Nếu mỗi giây phút trên hành trình tiến về đích đến mong muốn mà bản thân luôn biết cách tận hưởng nó thì dù kết quả có như thế nào, bản thân cũng đã có những phút giây tuyệt vời. Nhưng luôn nhớ rằng đừng bao giờ bản thân phải hối tiếc vì mình chưa cố gắng.

Khi tôi biết đâu là giới hạn của bản thân, cân bằng để bản thân cảm thấy vui vẻ bước tiếp trên hành trình mình chọn thì dẫu có cố gắng bao nhiêu, sẽ không có khi nào là quá sức. Khi động lực đủ lớn thì cứ thêm một chút cố gắng, cố gắng thêm chút nữa cũng chẳng sao.  Và khi tôi mệt mỏi, chỉ cần cho phép bản thân nghỉ mệt mà không sợ bản thân bị tụt lùi rồi lại đứng lên, tiếp tục cố gắng thì hành trình vươn lên những điều tốt đẹp luôn chờ đợi tôi.

Hoặc giả dụ tôi không muốn cố gắng cũng không sao. Có lẽ tôi hài lòng với hiện tại và đây chưa phải lúc cần tôi phải cố gắng. Nếu muốn cố gắng thì cũng phải biết mình cố gắng vì điều gì hay tại sao mình phải cố gắng, chứ thấy người khác cố gắng mà đem lòng trách cứ bản thân chưa cố gắng thì tội nghiệp lắm. Không cần cố gắng vì những việc to tát, hãy cứ thêm một chút cố gắng trong những việc dù là nhỏ nhặt hằng ngày, rồi sẽ đến một ngày mình sẽ biết cố gắng vì những điều vĩ đại.

BỨC THƯ KHÔNG GỬI BỐ MẸ

 


Bức thư không địa chỉ gửi cũng không địa chỉ nhận. Bức thư không bao giờ gửi bởi con sẽ giữ nó. Để mỗi khi con làm điều gì khiến bố mẹ phiền lòng, hoặc khi tìm một lý do để sống tốt hơn, con sẽ đọc lại nó.

Đã nhiều lần con muốn hỏi bố mẹ một câu: “Bố mẹ có thấy xấu hổ khi có người con như con không?”. Nhưng rồi tự con cũng tự tìm được câu trả lời. Càng trưởng thành, càng va chạm với cuộc sống, con càng cảm nhận được tình thương của bố mẹ dành cho những tụi con. Con hiểu rằng: không phải cha mẹ nào cũng thương con cái như bố mẹ. Tình thương của bố mẹ thật to lớn mới có thể làm được những việc mà không phải thứ trách nhiệm ràng buộc nào có thể khiến người ta cam tâm tình nguyện thực hiện đến thế. Nhưng tình thương ấy thật sự đã khiến cho cuộc đời của bố mẹ hạnh phúc hay chỉ mang lại những nỗi đau chất chồng.

Những năm tháng lăn lộn trên trường đời khiến con học được nhiều bài học về cuộc sống nhưng những tháng qua sống với bố mẹ lại giúp con hiểu được những bài học về làm con. Nhìn cách sống của những đứa em nhỏ mà con giật mình nhìn lại: không biết lúc trước mình có đối xử với bố mẹ như thế không?

Con đã từng nói với bố mẹ: “Sau này, con sẽ không sống cuộc đời giống bố mẹ”. Có bao giờ cuộc đời bố mẹ cảm thấy hạnh phúc vì đàn con này chưa hay chúng con chỉ mang lại lo âu, phiền muộn, thậm chí là tai họa cho bố mẹ. Con không sống cuộc đời lam lũ vì con cái như bố mẹ. Con sẽ không hy sinh vì con cái như bố mẹ. Con sẽ không sống vì con cái như bố mẹ.

Nếu phải kể ra những gánh nặng mà bố mẹ phải chịu khi nuôi nấng con thì kể đến bao giờ. Kể về những lần trắng đêm khi con trở bệnh hay kể về những lần một mình mẹ phải cáng đáng việc nhà cả tháng trời khi bố phải cùng con nằm ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Kể về nước sữa, cơm gạo nuôi con hay còn phải kể về những món đồ con đòi hỏi bố mẹ mua cho bằng được. Kể về những nỗi lo cho con học hành nên người hay kể về những bận tâm vì tương lai mịt mù của con. Kể về những buồn giận khi con ngỗ nghịch không vâng lời hay còn phải kể về những đau đớn, mát mất khi con vấp ngã trên đường đời. Kể, kể và ...  kể. Sẽ phải kể đến bao giờ nhưng bố mẹ lại không kể. “Bố mẹ chẳng mong con trả ơn hay chăm sóc bố mẹ lúc về già”. Đó là lời bố mẹ vẫn hay nói với con. Chỉ một mình con thôi đã khiến bố mẹ vất vả nhiều đến thế thì nhà mình có tám đứa con, bố mẹ có dành cả đời để kể không? Đúng là chẳng còn hơi sức để kể.

Bố từng post facebook câu nói này:

“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó.

Rồi lớn lên với cuộc sống cơ hàn

nên tôi quý trọng những thứ tôi đang có.

Biết làm gì lúc sóng gió gian nan.

Cha mẹ tôi là nông dân lam lũ

tấm lưng chẳng kịp ráo mồ hôi ..

nhưng tôi không cúi đầu hay tủi hổ

Bởi riêng tôi họ đẹp nhất trên đời”

Đọc xong, con tính bình luận nhưng sợ bố mẹ không hiểu hết ý của con sẽ khiến bố mẹ buồn.

Nhà mình được như hiện nay là do bố mẹ đã hy sinh, phấn đấu rất nhiều. Con hiểu điều đó. Không cần phải nói về “công cuộc làm việc” xây dựng gia đình của bố mẹ, chỉ cần nhìn bố lom khom đổ từng bình nước, mẹ cặm cụi nướng từng cái bánh tráng để nhặt nhạnh từng đồng thì cũng đủ thấy sự cố gắng đến nhường nào. Lời lãi gì một ngàn như thế. Bản thân con cũng thử làm, nó đâu sung sướng gì nhưng bố mẹ vẫn chấp nhận làm chỉ để lo cho đàn con.

Nhưng có đứa nào vì thế mà phụ giúp bố mẹ hay cố gắng phấn đấu vì tương lai phụng dưỡng bố mẹ đâu. Khác câu trên facebook bố post, nhà mình không nghèo khó để con cái trân quý những gì đang có hay phấn đấu vươn lên. Nhà mình cũng chẳng thuộc hạng giàu có để con cái thoải mái ăn xài mãi không hết. Nhà mình cứ tà tà như này nên hiện tại, cuộc đời đứa nào cũng lưng chừng như thế. Hoặc đáng buồn hơn là còn không biết bố mẹ đã cực khổ thế nào mà cứ dựa dẫm vào bố mẹ.

Không biết sau này, mấy đứa em có biết ơn vì bố mẹ đã chăm sóc tụi nó tận tâm đến thế hay lại đi trách cứ bố mẹ đã giành hết việc để tụi nó không biết làm gì cả. Cũng không thể trách được ai vì tụi nó vẫn cần trải nghiệm để trưởng thành hơn. Nhưng con hy vọng rằng: những gì bố mẹ đang hy sinh vì tụi con là vì bố mẹ vẫn cảm thấy vui vẻ khi làm điều đó.

Thôi chắc con sẽ dừng tại đây thôi. Viết dài quá sau này đọc lại mệt lắm. Đấy! Con vẫn lười như thế bố mẹ à. Nên dù có nhận thức mình phải thay đổi để sống vui lòng bố mẹ hơn nhưng con vẫn không thể sửa đổi ngay được đâu. Con chỉ biết luôn ý thức lời nói và hành động của mình để không làm bố mẹ phiền lòng thêm nữa.

Để kết lại thì chắc con sẽ phải hứa gì đó để bố mẹ yên lòng, nhưng con sợ trách nhiệm lắm bố mẹ. Con sẽ không hứa, nhưng sẽ cố gắng hết sức làm tròn bổn phận của mình và cầu mong bố mẹ luôn bình an, mạnh khỏe.


TÌM ĐÂU RA ĐỘNG LỰC BÂY GIỜ???

 


Theo Kreitner (1995), "động lực là một quá trình tâm lí mà nó định hướng các hành vi cá nhân theo mục đích nhất định". Theo Higgins (1994), "động lực là lực đẩy từ bên trong cá nhân để đáp ứng các nhu cầu chưa được thỏa mãn". Nói đơn giản động lực là sự thôi thúc bản thân hành động. Thường thì sự thôi thúc đó đến từ cảm giác thích thú, hứng khởi khi hành động hoặc vì né tránh những điều không thích nên phải hành động. Hành động vì yêu thích thì luôn dễ dàng và chắc cũng không cần đặt câu hỏi lấy động lực ở đâu. Nhưng nghiệt ngã một cái là chúng ta thường phải làm những điều bản thân không thích hay cảm thấy khó khăn khi ép mình hoàn thành một mục tiêu nào đó.

 

Vậy thì kiếm đâu ra động lực khi làm điều mình không thích? Như đã nói thì động lực gắn liền với cảm xúc yêu thích hoặc né tránh nỗi đau, hậu quả khi không làm. Một đứa trẻ ngồi vào bàn học toán vì nó yêu thích môn toán, nó cảm giác mỗi lần suy nghĩ giải một bài toán như một chuyến phiêu lưu đầy hứng thú. Nhưng một đứa trẻ ghét toán thì nó vẫn phải ngồi giải toán vì nó không muốn bị điểm kém hoặc chỉ vì nó sợ mẹ mắng, cô la khi không hoàn thành bài tập. Nó né tránh cảm giác khó chịu khi bị la mắng nên chấp nhận cảm giác khó chịu khi ngồi giải toán. Vậy thì đối với nó cảm giác bị la mắng đáng sợ hơn cảm giác giải toán. Tất nhiên là nó chọn cái nào dễ chịu hơn rồi. Thế thì một cách để có động lực là lấy nỗi sợ, nỗi đau, sự mất mát khi không hành động làm động lực để thực hiện. Mỗi lần con cái phạm lỗi, cha mẹ thường đánh mắng nó để nó sợ mà lần sau không tái phạm. Lần sau, khi nó muốn làm điều gì cha mẹ không cho phép, nó nhớ lại những đòn ron kinh hoàng mà không dám làm. Lấy cảm giác mất mất, đau khổ khi không hành động làm động lực thực hiện nó có tác dụng nhưng nó không phải là cách hay.

 

Một người vì sợ bị trừng phạt nên không dám hành động. Vậy khi không có ai giám sát hay không có những áp chế thì nó sẽ hành động như thế nào. Chẳng phải bản thân trở thành “những con lừa” rồi sao. Cảm giác né tránh cảm giác tiêu cực sẽ gây ra nhiều nỗ sợ và trở thành con người nhút nhét, dè dặt, khó dám làm những điều mới, sáng tạo. Và một cách nào đó, khi bản thân dùng những cảm xúc tiêu cực đó để hành động thì nó cũng khiên cưỡng nên kết quả không thể vượt trội mà thậm chí còn “làm cho có”. Việc lặp đi lặp cảm giác tiêu cực đó vô tình cũng tạo nên lực hấp dẫn thu hút những điều tiêu cực. Thế thì cách tốt hơn để tìm kiếm động lực là lấy cảm giác yêu thích, hứng thú, cảm giác tích cực.

 

Vậy thì làm sao có sự yêu thích làm điều mình không muốn. Đầu tiên phải nói là mục đích phải làm việc đó là gì. Chắc chắn nó phải mang lại cho bản thân điều gì bản thân mong muốn thì mình mới làm. Vậy thì hãy chuyển điều đó thì động lực tích cực. Một đứa trẻ có thể nghĩ nó sẽ bị mẹ đánh khi không làm bài tập thì nó cũng có thể tưởng tượng mẹ nó sẽ rất vui khi nó hoàn thành xong bài tập. Điểm lưu ý là đừng tưởng tượng và mong chờ kết quả mĩ mãn mà bản thân nhận được từ người khác. Vì mình không thể đoán được hay kiểm soát cảm xúc, hành động của họ. Nên nếu họ không cho cái mình mong chờ thì mình sẽ thất vọng và làm giảm động lực hành động của mình ở những lần sau. Đứa trẻ đó có thể lấy động lực làm mẹ vui lòng để làm bài tập vì khi nó khoe với mẹ bài tập vừa làm xong, dù mẹ nó không khen nó, không mỉm cười thì nó cũng nghĩ là mẹ nó vui và thế là nó đạt được điều nó muốn. Nếu mẹ nó mỉm cười và khen nó thì nó sẽ vui hơn và lần sau có động lực để làm bài hơn.

 

Nghĩ đến những thành quả, cảm giác sung sướng khi hoàn thành công việc là cách hay để tạo động lực hành động. Nhưng sẽ tuyệt hơn khi bản thân luyện được khả năng làm việc mà không bị cảm xúc chi phối. Có thể làm việc mình chán cũng như việc mình thích, dù vui hay buồn cũng vẫn làm việc bình thường. Điều đó thật sự không dễ chút nào. Với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và cảm hứng thì càng khó nữa. Nhưng khi tâm trạng không muốn làm việc thì cũng nên thử làm những việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi cảm xúc cao như ngồi đánh máy lại tài liệu hay tranh thủ làm việc nhà... Như thế vừa không để thời gian chết vừa luyện cho bản thân sự hăng hái làm việc không ngừng.


Đôi khi dám cho phép bản thân nghỉ ngơi cũng là một khả năng. Giữa một đống việc mà bản thân mệt mỏi không muốn làm thì hãy cảm đảm cho bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn. Nghĩa là cảm đảm gạt bỏ mọi lo lắng, suy nghĩ để bản thân thư giản, nghỉ ngơi tái tạo trí lực. Một bản nhạc thư giãn, một giấc ngủ say trong chiếc giường êm ái đôi khi hiệu quả hơn cật lực ngồi lê lết làm cho xong việc.

 

Và nếu dù đã nghỉ ngơi, dùng cảm xúc tiêu cực hay tích cực làm động lực mà bản thân vẫn không hành động thì cũng là chuyện bình thường. Quan sát bản thân xem vì sao lại như vậy. Có phải việc bạn làm chưa phải việc cần thiết và cấp bách không? Khi bản thân không ép mình vào chân tường thì chưa biết khả năng của mình như thế nào. Nước đến chân mới nhảy cũng chẳng sao. Khi đó sẽ tự khắc có động lực hành động. Dù kết quả không như mong muốn thì nó cũng là một trải nghiệm tích góp để lần sau mình sẽ hành động sớm hơn. Bị vài cú tát đau điếng thì bản thân cũng sẽ thức tỉnh. Nhưng như đã nói, nhiều đóa hoa hồng vẫn sẽ tốt hơn vài cú tát. Hãy tích góp những thành công nho nhỏ để có động lực làm những việc lớn lao. Và khi mọi thứ trở thành thói quen hay đức tính của mình thì sẽ không cần đặt câu hỏi “kiếm động lực đâu ra” nữa.


CÓ NHẤT THIẾT PHẢI CHĂM CHĂM ĐI TÌM ĐAM MÊ

 


“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Rancho đã hành động theo lý tưởng sống đó và đã thành công. Chính câu nói đó cũng khiến nhiều người quay quắt, trăn trở kiếm tìm đam mê. Biết đam mê của mình mà cố gắng theo đuổi đã đành nhưng cũng không thiếu những bạn trẻ cứ chăm chăm đi tìm đam mê cho bằng được mà không tập trung sống cho hiện tại.

Tại sao bạn cứ phải đi tìm đam mê? Vì cho rằng công việc hiện tại không phải là đam mê nên bạn cảm thấy nó nhàm chán, bức bối và căng thẳng. Hay công việc đó không đủ mang lại cho bạn vật chất như bạn mong muốn. Bạn nghĩ rằng cứ làm vì đam mê thì bạn sẽ mãi hứng thú khi làm việc hay mang lại cho bạn thành công tài chính à?

Không ít người đã xác định được đam mê nhưng cũng chật vật trên con đường vun đắp đam mê đó, mà tệ hơn là không đủ tài chính hay nguồn lực để duy trì đam mê. Đam mê không phải là cái gì đó thần thánh mà cho bạn năng lượng hành động không biết mệt mỏi hay không phải cứ tìm được là sẽ như kho báu ăn hoài không hết. Đam mê chỉ đơn giản là nguồn cảm hứng để tạo ra niềm vui và quyết tâm chinh phục điều bạn khao khát. Nhưng đôi khi gặp khó khăn, trở ngại thì cũng nản chí và mệt mỏi như thường. Đam mê nào cũng cần thời gian học hỏi và rèn luyện để biến nó thành một phần của bạn và cho bạn điều bạn khao khát. Chặng đường sống với đam mê đó còn rất dài và gian nan. Cùng một đam mê nhưng mỗi người lại có cách tiếp cận và phát triển theo những hướng khác nhau. Và nhất là không phải đam mê nào cũng dẫn đến con đường tiền bạc. Theo đuổi đam mê thì sẽ thành công, nhưng như thế nào là thành công thì còn tùy vào định nghĩa của mỗi người.

Không phải cứ tìm được đam mê thì bản thân sẽ được hạnh phúc. Cho nên, khi chưa xác định được đam mê của mình thì cũng đừng lo lắng hay chăm chăm tìm cách kiếm tìm. Lúc đó hãy làm bất cứ công việc nào có thể cho bạn tài chính để có thể tồn tại và điều kiện đủ để thử nhiều thứ, xem thật ra mình thích cái nào. Nhưng trước hết, hãy thử một lần tập yêu công việc hiện tại của mình và phấn đấu vì nó xem sao? Giống như chuyện tình cảm. Một cô gái luôn bên bạn thì sự diện hiện của cô ta là hiển nhiên và đôi khi nhàm chán, phiền phức. Nhưng khi bạn mở lòng, chỉ một khoảnh khắc bất chợt, bạn liền cảm thấy cô ấy thật đáng yêu và như là chân ái đời bạn. Mải mê tìm kiếm đâu xa khi chính những thứ là của bạn thì sẽ luôn đi tìm bạn. Tìm kiếm đam mê là quá trình chứ không phải đích đến.

Như bản thân tôi, bốn năm đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh là những năm tôi vật lộn với tiếng Anh. Tôi chán ghét nó đến nỗi chỉ cần nghe thấy tiếng Anh là tôi thấy nhức đầu. Ấy vậy mà sau quãng thời gian ở nước ngoài, và hiện tại đang trong quá trình học tiếng Đức, tôi mới phát hiện tiếng Anh hay nói rộng hơn là ngôn ngữ không có gì đáng sợ. Giờ tôi hoàn toàn hưởng thụ quá trình học ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Anh. Có lẽ tôi phải yêu tiếng Anh lại từ đầu. Dù có lúc mệt mỏi, bức bối, mắc kẹt ở một trình độ mà chưa cải thiện được, nhưng tôi vẫn thấy nó ý nghĩa. Điều mà dù khó khăn, thử thách hay không mang về lợi ích tài chính mà ta vẫn muốn làm thì có thể đó là đam mê.

Mà thật ra hãy nghĩ đơn giản. Khi bạn thật sự giỏi một nghề nào đó và kiếm được nhiều tiền để đáp ứng những nhu cầu và sở thích của bản thân thì bạn có miệt mài và hứng thú làm việc không? Cho nên dù có phải là đam mê hay chỉ vì mưu sinh thì hãy làm việc thật nghiêm túc và trở thành người giỏi trong lĩnh vực bạn làm. Khi bạn giỏi và được nhiều người khen ngợi, ngưỡng mộ thì bạn có tiếp tục lao vào công việc như thể đó là đam mê của bạn không? Thay vì đổ lỗi: đó không phải là đam mê và mải miết tìm kiếm đam mê trong vô vọng thì hãy thử kiếm động lực để phát triển những gì mình đang có. Nếu bạn đã dành đủ thời gian và công sức cho nó mà vẫn không thể tìm thấy nguồn cảm hứng để tiếp tục, lúc đó ít nhất bạn cũng đã có khoản tiền tiết kiệm hay những kỹ năng cần thiết để bắt đầu cho những trận chiến với những điều mới mẻ khác. Trước khi nghĩ đến việc sống chết đi tìm đam mê thì hãy nghĩ đến chuyện nếu không có khả năng tồn tại thì có đam mê hay không có đam mê thì cũng có nghĩa lý gì?


CẢM NHẬN BÀI HÁT "CỰ TUYỆT" HỒ NGỌC HÀ



“Mỗi người có những cách khác nhau để giữ lại tình yêu cho riêng mình, vì chẳng muốn tỉnh giấc thế nên dừng lại là cách để giữ trọn cho mình Cả một trời thương nhớ". Đó là tâm trạng mà tôi thấy nó rất phù hợp với bài “Cự Tuyệt” mới phát hành của Hồ Ngọc Hà.

Bài hát gợi cho tôi khung cảnh vào một buổi hoàng hôn tắt nắng cùng những cơn mưa hè, chàng trai vì không muốn những khó khăn tương lai mà khiến tình yêu của họ đến hồi đổ vỡ trong đau thương nên đã chủ động “chia tay sớm bớt đau khổ”. Bài hát là lời chàng trai nhắn nhủ cho cô gái cùng những cảm xúc của cô.

“Thật buồn khi chẳng thể thành đôi

Vì sau trước cũng vậy thôi

Hoàng hôn tắt thấy sao được lối”.

Không thấy được lối bởi bóng tối của đêm đen hay chính bởi sự tăm tối sau một cuộc tình tan vỡ. Có lẽ cả hai người đều nhận thấy cuộc tình này không thể đi đến cuối cùng. Trước sau gì thì cũng phải chia xa, nhưng dù xa trước hay xa sau thì nỗi đau nào cũng hiện hữu.

“Em cứ bước cứ ngước nhìn thôi

Ngàn câu hỏi không thể cất lời

Sợ rằng quay đầu nước mắt lại rơi”

Sự dằn vặt, đau khổ lớn nhất không phải là lời cự tuyệt mà chính là chia tay nhưng không hiểu tại sao. Không phải không thể chấp nhận được sự thật bản thân thất bại trong cuộc tình mà điều không thể buông bỏ được chính là luôn tự hỏi: mình đã làm sai điều gì hay vì sao người không thể bước tiếp cùng ta. Chân cất bước, mắt ngước nhìn, không phải vì mình vẫn đủ sức để ra đi kiêu hãnh mà chỉ vì bản thân đang ngăn chặn dòng nước mắt đã đong đầy những khóe mắt. Chỉ cần một cái nghiêng mặt, cả đại dương yêu thương ấy sẽ tuôn trào. Càng không thể ngoảnh đầu lại, không phải vì bản thân đã dứt tình mà chỉ cần nhìn vào hình bóng đó, sợ rằng thể diện cuối cùng bản thân cũng không thể giữ được.

Anh và em gặp nhau ngay hiên nhà anh. Em ôm chặt anh như thể sau bao ngày không gặp hay chính em cũng hiểu rằng đây sẽ là cái ôm cuối cùng.

“Em ôm chặt anh và không muốn cách xa

Anh đẩy em ra: “Chúng ta nên dừng lại em à

Em bên ai đi, và lo nghĩ tương lai

Giờ anh giữ em lại, chính anh là người sai”

Em không quan tâm lý do của anh là sự thật hay chỉ là lời biện minh vì hết yêu hay anh đã có người khác. Anh nói em nên đến với người khác vì anh nghĩ cho tương lai của em. Bên anh, em sẽ không hạnh phúc như em muốn. Để em đi là lựa chọn đúng đắn anh có thể làm cho em hay sao? Thật ra, sự tự ti về thân phận, gia cảnh của anh, em đều hiểu. Nhưng anh à, hạnh phúc hay khổ đau thì đó phải là sự lựa chọn của em. Anh đã đặt mình vào vị trí của em để lựa chọn thay em. Nhưng anh không phải là em nên anh không thể biết rằng chịu khổ cùng anh có phải là hạnh phúc em mong muốn hay không?

“Bây giờ thà đau, đừng để về sau

Khi cả hai yêu quá mới nhận thấy là

Tháng ngày về sau, ta chịu đựng nhau

Hiểu tình yêu chúng ta chẳng phải tất cả”

Em không biết nỗi đau sau này sẽ đau nhiều hơn hay không. Điều bây giờ em biết là em thật sự đang rất đau anh à. Sau này, em không biết tình yêu có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn hay không và quan trọng là cuộc sống có bào mòn tình yêu của chúng ta hay không nhưng tương lai là điều mơ hồ chẳng ai biết trước được. Thứ em có thể cảm nhận chính là hiện tại, bây giờ, anh đã không còn dũng cảm cùng em bước tiếp và điều đó làm em đau hơn nhiều những điều mà em chịu đựng vì anh.

“Cần ai đó để em có một tình yêu đẹp như giấc mơ

Ngày ấy em sẽ hạnh phúc hơn bây giờ”

Câu này của anh thì em hoàn toàn đồng ý. Em cũng muốn có một tình yêu đẹp như giấc mơ. Nhưng sao anh không là người cùng em vẽ nên giấc mơ đó. Anh có bao giờ hỏi giấc mơ tình yêu của em là gì chưa? Đó thật sự là giấc mơ của em hay chính là giấc mơ anh tự vẽ cho người anh yêu. Nếu thế thì anh thật tệ. Tệ khi tự mình vẽ ra giấc mơ quá to lớn để chính bản thân anh cũng không thể là một phần của giấc mơ đó.

“Em là người tốt, sau này mai mốt

Ắt gặp một người thương em hơn cả anh

Một người luôn nắm chặt tay, luôn có mặt ngay

Cuộc sống em khác xa như vậy”

Em có tốt đến thế nào thì cũng chẳng có nghĩa lý gì khi người khác không công nhận điều đó. Anh hiểu em đến nhường nào mới thấy em tốt đến nỗi anh không thấy mình xứng đáng. Nhưng thay vì anh cố gắng phấn đấu để mình đủ khả năng đón nhận những điều tốt đẹp thì anh lại chọn cách cự tuyệt, khước từ những điều mà anh cho là “quá tốt để có được”. Vậy thì cả đời này anh sẽ không nhận được điều gì tốt đẹp à.

Và anh cũng nên hiểu rằng: yêu nhau không phải lúc nào cũng phải bên nhau. Chỉ cần hướng về nhau và biết đối phương đang phấn đấu vì mình thì còn hạnh phúc nào bằng. Một người đàn ông mà chỉ có tình yêu thì cũng là người đàn ông không nên yêu. Có thể hiện tại anh không có gì hết, nhưng em tin sự phấn đấu vì tình yêu sẽ khiến anh trở thành người vĩ đại, không trong địa vị xã hội thì ít nhất là trong tim của em.

Dẫu có chọn anh hay không thì cuộc đời em cũng sẽ khác, chắc chắn là vậy. Vì tương lai luôn thay đổi và phát triển. Nên một khi chọn anh thì em đã chọn luôn tương lai của anh rồi.

“Nếu dừng lại đây, em sẽ tìm cách

Để mình rời xa mãi chẳng hề muốn quay lại

Dừng nhé anh, hãy rời bước, khi mưa tạnh”

Không dễ gì để thay đổi suy nghĩ của một người chỉ vì những lời nói. Thế nên, nói với anh những lời đó, em chỉ mong rằng sau này khi anh đủ yêu thương và tôn trọng bản thân mình thì lúc người mới đến, dù họ có ngang tầm với anh không thì anh cũng đủ yêu thương mình và người đó để mở rộng vòng tay ôm lấy hạnh phúc của mình. Em sẽ ra đi và sẽ không quay lại. Nhưng cơn mưa này là lý do cuối cùng để em ôm anh và sẽ rời bước khi mưa tạnh.


CHUNG THỦY LÀ SỰ LỰA CHỌN

 


Nhìn vào mối tình yêu xa của thằng bạn trọ chung, tôi hỏi nó: “mày yêu xa như vậy, có bao giờ mày gặp người con gái khác và rung động không?”. Nó không cần suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay với tôi rằng: “Có rung động chứ! Nhưng tao biết ai là người đi lâu dài với tao nên có rung động thì tao cũng không tiến tới. Sợ nhất là những cái nắm tay, đụng chạm, rất khiến người ta xao lòng”. Tôi  có thể chỉ cho đó là “câu trả lời hoa hậu” nhưng với mối tình lâu dài của nó thì còn lý do gì để nghĩ như thế.

Hai người họ yêu nhau thời học sinh cấp ba. Lên đại học, đứa học ở quê, đứa lên Sài Gòn. Học xong đại học, bạn tôi lên đường qua Pháp du học còn bạn gái vẫn ở Việt Nam. Thế mà cuối cùng, hai người đã kết hôn và đang sống ở Pháp.

Sống chung dưới một mái nhà, người ta còn có thể ngoại tình huống chi yêu xa chục năm. Chẳng ai có thể nói hai người sẽ cùng nhau đi được bao xa nữa nhưng tôi tin rằng với sự cam kết chung thủy như thế thì hy vọng đến già, tôi vẫn còn trông thấy tình yêu của hai người.

Nói chung thủy là đức tính cũng không sai, nhưng sẽ phù hợp nếu xem chung thủy là sự lựa chọn.

Khi đã xác định mình trong một mối quan hệ thì việc rung động trước một người khác cũng là chuyện bình thường. Mình có thể xao lòng nhưng không thể xiêu lòng. Nghĩ đơn giản thì phút cảm nắng đó chỉ thể hiện trái tim mình còn có thể yêu, còn đang đập những nhịp thở rất con người. Chẳng có gì tội lỗi hay phải giấu diếm việc rung động nhất thời. Nhưng lúc này, chung thủy với người mình đã cam kết hay nuông chiều cảm xúc nhất thời để tiến tới mối quan hệ ngoài luồng là một sự lựa chọn. Trên đời thật ra chẳng có cái gọi là tình yêu sét đánh, vừa nhìn là đã có thể sống chết vì nhau đâu. Với một người độc thân đã không có chuyện đó thì người đang trong một mối quan hệ lại càng không. Đây chính là lúc bản thân thể hiện mình có phải là người chung thủy hay không, mình có thật sự có trách nhiệm và yêu thương gia đình hay không.

Nếu nói vì mối quan hệ hiện tại đang gặp trục trặc mà nảy sinh ý nghĩ đến chuyện tình khác thì bản thân thật ích kỷ và nó sẽ tạo lối mòn cho một con người lăng nhăng. Chỉ nên tìm kiếm một tình cảm mới khi bản thân đã hoàn toàn tự do và sẵn sàng cho mối quan hệ mới. Nếu thật sự mối quan hệ cũ không thể cứu vãn thì hãy trách nhiệm với bản thân và người kia mà rõ ràng buông tay. Chứ đừng mập mờ để bản thân trở thành người không chung thủy mà còn tổn thương người khác.

Chung thủy hay không, nó cũng thể hiện bản thân có là người trách nhiệm hay không. Một khi đã cam kết chung thủy thì hãy giữ lời đến khi đối phương không cần lời hứa đó nữa. Lời hứa làm gia vị cho tình yêu thêm thi vị nhưng với những lời hứa chôn chân cuộc đời của người khác thì ít ra bản thân cũng nên có trách nhiệm với chúng.

Cảm hứng đi chinh phục người khác không thể hiện mình là người quyến rũ hay có khả năng mà chỉ thể hiện mình là người không có trách nhiệm. Nếu bản lĩnh, hãy khiến cho đối phương của mình an tâm và hạnh phúc nhất chứ không phải bằng việc đếm những mối tình hay ghi những chiến công làm người khác đau khổ vì mình là kẻ lăng nhăng.

Cũng có những người không chung thủy là do tự họ hoặc nhiều người cho họ cái quyền đó. Vẻ ngoài cuốn hút, gia thế vững chắc dễ khiến người nhiều theo đuổi họ. Càng nhiều sự lựa chọn thì con người càng dễ thay đổi. Chính vì nhiều sự lựa chọn ngươi ta lại dễ “núi này trông núi kia” hay luôn tự đặt câu hỏi tại sao bản thân chỉ có một mà không có nhiều hơn. Khổ nỗi là những người khác lại dễ dàng chấp họ không chung thủy bởi suy nghĩ  “giàu, đẹp là có quyền” hay tư duy yêu những người như thế thì phải chấp nhận. Cứ thế thì chẳng phải mình cho phép họ hoặc để họ nghĩ rằng họ được quyền không chung thủy à.

Trân trọng bản thân và biết rằng mình có quyền đòi hỏi người yêu của mình chung thủy là điều khiến nhiều người phải chung thủy hơn trong tình yêu. Nếu ai cũng đòi hỏi người mình yêu phải chung thủy thì hãy trở thành một người yêu thủy chung.


ĐAM MÊ KIẾM TÌM

 

Tôi không biết mình đủ tư cách để viết về chủ đề “đam mê” này hay không? Nhưng ở vị trí hiện tại của mình, người hai mươi bảy tuổi, mới tìm ra đam mê và đang dấn thân xây dựng cuộc sống trên niềm đam mê đó, tôi cũng xin góp nhặt vài ý kiến của mình để những ai đang băn khoăn, trăn trở tìm kiếm nguồn cảm hứng sống có thể đối chiếu nhiều góc nhìn và tìm thấy hướng đi cho mình.

Đầu tiên tôi phải nói rằng, việc một học sinh phổ thông không biết mình thích gì để chọn ngành, chọn trường học tiếp là điều hoàn toàn bình thường. Tôi nhận thấy rất ít bạn học sinh ở lứa tuổi mười bảy, mười tám có thể nói hăng say về ngành học mình sắp theo đuổi hay định hình được chính xác sau này mình sẽ trở thành người như thế nào. Bản thân tôi đã hai lần thi đại học, nhưng đến lần thứ hai, tôi vẫn băn khoăn và phải hỏi bố mẹ là con nên học ngành gì. Và một phần nào đó, ngành học in trên tấm bằng đại học của tôi cũng là gợi ý từ bố tôi.

Vậy thì ở lứa tuổi dưới hai mươi, khi bạn chưa biết mình đam mê điều gì thì hãy cứ chọn ngành mà bạn nghĩ mình có thể học. Còn nếu thật sự bạn không có một ý nghĩ nào về ngành học thì tôi cũng đồng tình với Tony Buổi Sáng, rằng bạn nên chọn ngành nào có thể cho bạn cái nghề. Học kỹ sư cũng được, giáo viên cũng ô-kê, học đại học chuyên môn cũng được mà học nghề chân tay cũng chẳng sao ... Bởi sau này, khi bạn ra trường mà vẫn chưa biết mình thích làm gì trong xã hội này thì chính những nghề đó có thể nuôi sống bạn. Còn câu chuyện học quản trị kinh doanh, tài chính hay chuyên ngoại ngữ nào đó thì một là bạn đã xác định mình đam mê nó để đào sâu kiến thức hơn người khác, hai là gia đình đã có sẵn doanh nghiệp để bạn tiếp quản. Bởi đó là những kiến thức mà sinh viên những ngành khác nếu muốn thì vẫn có điều kiện tiếp cận. Và việc xây dựng doanh nghiệp đi lên từ nghề mình hiện có cộng với việc có kiến thức kinh doanh thì sẽ thuận lợi hơn chỉ có mỗi kiến thức kinh doanh mà không biết kinh doanh cái gì.

Trên đời thiếu gì cái tên xây dựng doanh nghiệp hay đạt được nhiều thành công vang dội với những nghề tưởng như bình thường. Mà tôi cũng nói thật, nếu không phải vì đam mê mà chỉ làm vì kiếm tiền thì làm gì cũng giống nhau, miễn sao kiếm tiền đủ nhu cầu mong muốn từ công việc không phạm pháp là được.

Cũng có rất nhiều người cả đời lao vào công việc nhưng đến cuối đời vẫn không thể trả lời câu hỏi “đam mê của mình là gì?”. Có thể vai trò của họ trong xã hội là thế hoặc tự bản thân họ không dám đi theo đam mê của mình. Còn bạn, nếu bạn luôn trăn trở tìm kiếm đam mê và tự thấy mình phài làm điều gì đó khác để cuộc sống ý nghĩa hơn thì có lẽ vũ trụ đã trao cho bạn một đam mê lớn hơn những điều bạn đang làm hiện tại. Dù phải khó chịu, băn khoăn khi chưa tìm ra, nhưng đến khi tìm được rồi, bạn sẽ thấy những ngày tháng khó khăn tìm kiếm đều rất đáng.

Vậy thì làm sao tìm ra đam mê của mình? Sẽ không có câu trả lời cụ thể nào dành cho bạn, bởi chỉ có mình bạn mới có thể giải đáp được điều đó. Nhưng điều đầu tiên có thể nói là “nghề chọn bạn chứ bạn không chọn nghề”. Mà nói một cách khác là chính bạn được trao tặng những khả năng để thực hiện đam mê của bạn. Và đam mê đó sẽ tự tìm đến bạn hoặc nó đã nằm sẵn trong bạn, chỉ chờ bạn khám phá ra.

Giống như việc chiếc chìa khóa xe nằm sẵn trên bàn nhưng khi chưa cần sử dụng, bạn thấy nó nhưng lại phớt lờ hay chẳng quan tâm. Đến khi bạn cần đến, bạn lục tung khắp nhà nhưng không thấy nó đâu. Rồi đến khi bạn thôi nôn nóng tìm kiếm nó nữa thì bạn mới phát hiện, nó luôn nằm sẵn ở trên bàn. Thế đó. Chỉ cần bạn ý thức rằng mình đang tìm kiếm đam mê và luôn sẵn sàng quan sát để nhận ra nó. Thì vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ nhận ra đâu là điều bạn hằng kiếm tìm.

Và tất nhiên, để thấy và biết đó có phải là đam mê thật sự hay không thì bạn cần phải hiểu bản thân mình. Mà một cách để hiểu bản thân mình hơn, đó là “đi và trải nghiệm”. Bước ra khỏi vùng an toàn, đưa mình đến những điều mới lạ, thay đổi những thứ đã đóng khung bản thân mình thì bạn sẽ khám phá ra những góc khác của bản thân và biết được đâu là con người mình.

“Cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Đi một vòng lớn rồi mới nhận ra kho báu mình tìm kiếm lại nằm trong chính mảnh đất quê hương của mình. Nhưng phải có hành trình ra đi kiếm tìm đó, mình mới hiểu được bản thân và biết được kho báu đang ở đâu? Hãy cứ vững tin mà lên đường, đam mê cũng đang trên đường tìm kiếm bạn đó.

VIẾT CHO NGÀY CHỊ LẤY CHỒNG


Ngỡ rằng chị sẽ khấn “đồng trinh trọn đời” cùng với em nhưng thật bất ngờ, ngày 3/8/2020 chị đã chính thức kết hôn. Nói là bất ngờ bởi vì với em, em vẫn chưa đủ trưởng thành để tiếp nhận chuyện chị em mình đã lớn và mỗi người sẽ xây dựng một gia đình riêng. Biết rằng dù thế nào, chị vẫn là chị của em. Nhưng vì sự ích kỷ bản thân, em chưa thể chấp nhận việc chị phải gánh vác những trách nhiệm mới, làm dâu, làm vợ và sau này làm mẹ. Nói gì thì nói, khi đó trách nhiệm làm chị cũng sẽ không còn như trước.

Nói về chị, em sẽ nói một từ trách nhiệm. Chị là đứa con thứ hai, em là đứa kế chị, chỉ thua chị một tuổi. Anh cả thì đã đi tu. Em còn nhớ: ngày mùng một tết, khi chúc tết bố mẹ, chị đã nói một câu mà cả gia đình ai cũng khóc: anh hai đã đi tu xem như xong phần của ảnh, còn chị, chị sẽ thay anh chăm lo cho đàn em.  Đối với em thì chị đã làm rất tốt lời hứa đó, ít nhất là những gì chị đã làm cho em.

Một đứa rõ ràng trong các mối quan hệ, giữa biết ơn và mang ơn vẫn có sự tách biệt như em thì em vẫn có thể nói: trong cuộc đời, em chỉ mang ơn ba người: bố mẹ, và tất nhiên là chị.

Đến bây giờ, mỗi quyết định trong đời em đều có sự hiện diện của chị. Chị là người chở em đi thi đại học khi chị mới là sinh viên năm nhất chưa sành sỏi đất Sài Thành. Em cũng chẳng mảy may hỏi chị có bận việc gì hay bận học không nhưng chị vẫn là người chở em đi thi đại học đến hai lần.

Rồi khi lần đầu tiên vấp ngã trong cuộc đời, không dám về nhà thì em lại gọi điện nương nhờ chị. Nhưng lần đó, em vẫn phải về nhà đối diện với ba mẹ. Em dường như trầm cảm giai đoạn đó. Biết chuyện, chị từ thành phố chạy xe về, đến nhà thì trời đã chập tối. Em không thể lý giải tại sao khi vừa nhìn thấy mặt chị, em lại òa khóc.

Vượt qua khoảng thời gian đó, em lại lê lết lên Sài Gòn theo chị. Hai chị em thế mà cũng đã chuyển trọ cũng 5 chỗ rồi. Lúc nào cũng là chị lo lắng tìm chỗ và lo tiền phòng hàng tháng. Không những thế, sáng nào chị cũng dậy sớm nấu cơm cho em rồi mới đi làm. Mặc dù biết em đã đi làm, có thể tự lo tiền tiêu xài nhưng chị vẫn sẵn lòng gửi tiền tiêu vặt vào tài khoản cho em.

Em chưa từng tổ chức một cái sinh nhật nào cho chị nhưng chị là người hiếm hoi trong số những người nhớ ngày sinh của em. Bất ngờ, cũng có những bất ngờ mà chị tạo cho em trong ngày sinh nhật. Chị cũng là người duy nhất nhớ sinh nhật của từng người trong nhà.

Và không chỉ em, những đứa em khác khi có vấn đề gì đều tìm đến chị. Nhớ lần chị gọi điện cho em kể chuyện, em mới biết gánh nặng của chị to lớn thế nào. Không muốn bố mẹ lo lắng, em nói với chị thôi để hai chị em mình lo liệu. Nói thế nhưng em biết rằng chị nói cho em biết chỉ đơn giản chị cần người chia sẻ tâm sự chứ thật ra đôi vai nhỏ bé của chị vẫn sẽ tự gánh vác mọi thứ.

Ngày chị đổ bệnh, em là người dìu chị vào bệnh viện. Dù nằm trên giường bệnh nhưng chị vẫn không muốn em ở lại chăm sóc. Một mình chị vẫn tự gọi cơm mang lên phòng từng bữa và vẫn muốn tự trang trải viện phí. Thật lòng em đã ước mình có thể chịu bệnh thay cho chị. Không phải vì em cao cả gì. Nhưng một phần vì thương chị, một phần em cũng biết em không thể thay chị làm phần việc của chị, gánh vác những mối lo cho chị. Còn nếu em nằm đó thay chị, sẽ chẳng có ảnh hưởng gì vì chị sẽ cáng đáng mọi chuyện.

Có lẽ vì căn bệnh đó mà chị em, một người trong mắt em là người mạnh mẽ, tự do, giờ muốn có người để dựa dẫm, để được nhõng nhẽo mà không phải cứng rắn, gồng gánh gì nữa. Em cũng hy vọng rằng chị sẽ được hạnh phúc và không phải gánh thêm những trách nhiệm nào.

Chị không hoàn hảo nhưng đối với em, chị đã làm một người con ngoan, một người chị tốt thì chắc chắn chị sẽ làm một người vợ đáng yêu, người con dâu hiếu thảo. Em chỉ muốn nói với chị rằng có những chuyện không cần vơ vào bản thân và ép buộc mình hoàn thành trách nhiệm nặng nề tự mình áp đặt. Cùng chia sẻ với mọi người thì không có gánh nặng nào là quá sức với ai hết. Những người thật sự yêu thương chị thì luôn muốn chị hạnh phúc.

Em thì không thể như chị để nói rằng: anh hai đã đi tu là xong phần ảnh, chị đã đi lấy chồng thì xong phần chị, còn em, em sẽ chăm lo bố mẹ và mấy đứa em còn lại. Thật sự em biết mình không thể làm tròn việc đó, nhưng em sẽ cố gắng trong hạn mức của mình. Phần còn lại vẫn phải để mọi người tự lo phần của họ thôi.

Chị em mình không hay chia sẻ, tâm sự với nhau và những lời này không dễ gì để nói ra nên những dòng viết này có vẻ sến súa nhưng sẽ là lần đầu tiên em nói cho chị nghe những điều này. Và cũng coi như một lần nhìn lại tình chị em mình để em xác định trách nhiệm mà vô hình trung chị trao lại cho em. Tóm lại chị cứ lo hạnh phúc của chị nhé! Ai cũng sẽ tự lo tìm hạnh phúc cho mình thôi, khỏi lo (mỉm cười nhẹ).

CHO - MƯỢN - TIỀN


Hẹn nhau nhậu sau vài năm không gặp, tôi phụ trách mang bia còn vài đứa bạn mang mồi. Nói nhậu cho sang nhưng thật ra là trò chuyện với nhau về quãng thời gian sinh viên đã qua mà nay đứa nào cũng đã đi làm được vài năm. Ổn định có, mong muốn bay xa có, nhưng chung quy lại thì so với thời sinh viên, tiền bạc đứa nào cũng khá giả hơn.

Sau buổi đó, tôi với một thằng bạn trên đường về có ghé vào quán hủ tiếu gõ để ăn đêm. Nó nói tôi mua bia hết bao nhiêu tiền để nó “share” ra nhưng tôi từ chối. Qua trò chuyện, nó có nhắc đến những lần mượn tôi vài trăm ngàn thời sinh viên để ứng biến những ngày cuối tháng và trả tôi ngay khi có tiền. Tôi thật sự không nhớ nổi những chuyện như thế nhưng nó vẫn nhớ thì có lẽ nó là người xem trọng điều đó. Thế nên tôi rất trân trọng thằng bạn này.

Sinh viên, nếu ăn học nhờ vào tiền gửi hàng tháng của cha mẹ thì khi cho mượn tiền, không phải vì dư giả mà chỉ là nhịn ăn ngon vài bữa để giúp đỡ bạn bè khi nó cần. Và cái thời đó thì cũng không nghĩ xa được, rằng mối quan hệ nào nên đầu tư, mối quan hệ nào nên vứt bỏ. Chỉ đơn giản bạn cần thì tôi giúp.

Tôi cũng cho vài đứa bạn mượn tiền, nhưng đâu phải ai cũng giống người bạn kia.

Nhớ hồi những năm cuối đại học, khi đã hoàn thành những môn học quan trọng và có nhiều thời gian hơn. Tôi đi làm bán hàng trong trung tâm thương mại. Đợt công ty chạy chương trình giảm giá mạnh, doanh thu cao nên tiền lương và thưởng tháng đó của tôi cũng hơn chục triệu. Những đứa làm chung với tôi, ai cũng biết chuyện đó.

Vậy là thằng bạn chơi thân với con bạn tôi nó nhắn tin mượn tiền đóng học phí. “Nếu không có tiền, chắc tôi phải nghỉ học”. Đó là câu nó nói với tôi. Tính ra tôi không chơi với nó nhiều, tôi biết nó qua con bạn làm chung chỗ. Nhưng tôi nghĩ: nó làm quản lý nhóm bán hàng nên khi có lương, nếu nó muốn trả tiền cho tôi thì chẳng là vấn đề. Tôi đã cho nó mượn bởi vì nó biết tôi vừa nhận lương mà tôi thì không nghĩ ra một lý do nào để từ chối. Thế là tôi trở thành người túng thiếu đi xin lại khoản tiền mình đã để nó mượn đóng học phí. Mà cũng không biết liệu nó có thiếu tiền đóng học phí thật không khi mà nó vẫn thường “check in” ở những nơi vui chơi, ăn uống mà tôi cho là sang chảnh.

Rồi bạn trai của con bạn làm chung cũng nhắn tin mượn tiền. “Tôi cần cho việc gấp lắm nhưng đừng cho bồ tôi biết nha”. Nó nói tôi như vậy mà tôi không đặt một chút vấn đề rằng có gì mờ ám trong đó không. Tôi vẫn cho nó mượn với một lý do ngây ngô như thằng bạn trên. Thế là sau vài lần tôi đòi mà nó không có tiền trả, vào một ngày nọ, bồ nó là đứa làm chung với tôi nói với tôi rằng nó sẽ trả thay cho.

Vậy là những “phi vụ” cho mượn tiền đầu đời của đời chẳng mấy thuận lợi chút nào. Tôi dần suy nghĩ nhiều hơn mỗi khi có người hỏi mượn tiền và tôi cũng học được cách nói từ chối hay có những nguyên tắc trong chuyện đó.

Người ta nói bạn bè thì không nên dính tới chuyện tiền bạc. “Mất tiền, mất luôn cả bạn”. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu được điều đó. Nếu người bạn kia cứ mượn tiền thì sao làm từ chối hoài được. Vậy nên, một người chị mà tôi chơi chung từ thời sinh viên đến giờ đã nói với tôi như một lời giao kèo: “đừng bao giờ mượn tiền chị nhé”. Nhưng chị là người khá thoải mái trong những buổi đi ăn uống chung. Chị luôn dành phần trả tiền hay có “share” thì cũng nhường tôi phần ít. Ngày tôi ra nước ngoài làm việc, chị kẹp một trăm đô trong món quà chia tay. Về nhà mở quà ra tôi mới biết. Thật muốn trả lại chị nhưng dù sao đó là tấm lòng của chị, tôi sẽ cất giữ nó. Có lẽ chị cũng giống tôi khi muốn rạch ròi giữa cho và mượn, không muốn người khác mượn nhưng bản thân nếu đủ hào phóng thì vẫn có thể cho.

Hai suy nghĩ tôi luôn đắn đo khi cho ai đó mượn tiền là: tôi có sẵn sàng cho họ số tiền đó khi họ không trả tôi không? Và liệu họ có thật sự cần sự giúp đỡ của tôi?

Tôi rất hạn chế mượn tiền của bạn bè hay người khác. Bởi tôi cho rằng: người đầu tiên mình cần nghĩ đến là cha mẹ, những người thân của mình. Cha mẹ là người có thể cho ta mọi thứ vô điều kiện. Nếu vì mong muốn không để người thân lo lắng mà đi mượn tiền của người khác thì trách nhiệm trả nợ càng cao hơn. Còn nếu đẩy sức nặng gồng gánh nỗi lo đó qua cho người khác mà bản thân không có trách nhiệm trả nợ thì thật không còn gì để nói. Vậy là họ đối với bạn của mình cũng không hề quan tâm hay tình nghĩa gì.

Khi muốn mượn tiền, nên tìm người chuyên cho vay. Cứ sòng phẳng với tiền bạc chứ đừng lấy tình cảm để hưởng lợi vài đồng tiền lời. Chẳng lợi bao nhiêu mà cái tình nó cứ vương vấn trói buộc người khác.

Quan điểm rạch ròi là thế nhưng tôi vẫn không thoát khỏi những sai lầm khi cho mượn tiền.

Sau một năm không gặp mặt, đứa nhân viên từng làm cấp dưới nhắn tin với tôi mượn tiền. “Em làm mẹ đơn thân, phải một mình lo cho con, anh cho em mượn tiền ăn, đến thứ sáu có lương thì em trả anh liền”. Không ngờ sau một năm không liên lạc mà khi biết tôi mới từ nước ngoài về, em lại nhắn tin mượn tiền tôi. Lý do mượn tiền lo bữa ăn cho con cũng đáng đồng cảm.

Với những nguyên tắc mà tôi đã đề ra, tôi hỏi em đã hỏi mượn những người thân quen hay bạn bè thân chưa? Em nói chẳng ai giúp em cả. Rồi em kể lể trước em đối xử với mọi người rất tốt, rất rộng rãi mà giờ em khó khăn thì chẳng ai giúp đỡ. Tôi từng làm chung và nghe rất nhiều tai tiếng về cách tiêu tiền của em. Sai lầm của em là sự thể hiện sự giàu có không hề tồn tại của mình. Và một điều bản thân phải tự nhận ra là “không phải mình đối tốt với người khác như thế nào thì họ đối xử với mình lại như vậy”. Không nên dùng tiền người này để lấy lòng hay đầu tư vào mối quan hệ vào người khác. Mà nói gì thì nói, một phần tôi cũng xiêu lòng. Phần khác thì theo nguyên tắc của tôi, số tiền em mượn, tôi vẫn có thể cho, cho để dức hẳn không còn dính dáng gì nếu như em không trả. Và tôi cũng nghĩ rằng, một người tính toán như em thì sẽ biết đầu tư hạn mức khoản vay, nghĩa là mượn một số tiền nhỏ rồi trả đúng hạn để những lần sau có thể mượn những khoản tiền lớn dần.

Và để xem sự nể trọng của em đối với tôi trước giờ là như thế nào. Tôi có quyền suy nghĩ thế bởi khi nói chuyện với một đứa nhân viên làm chung khác thì nó liền nói: “ai nó cũng giật được chứ biết đâu Hoàng, nó lại nể và sĩ diện mà trả”.

Lúc cho mượn, tôi nói rõ với em là tôi không có tiền trong tài khoản nên phải chờ chiều tôi ra ngân hàng gửi tiền. Tôi nói vậy để thấy rằng tôi đã hết lòng như thế nào. Vậy mà nhiều thứ sáu trôi qua trong im lặng, và người em đó không biết còn túng thiếu hay không mà trên facebook vẫn lung linh, sung đầy. Và giờ thì tôi cũng không quan tâm nó còn tồn tại hay không mà tôi chỉ biết rằng: nó đã hoàn toàn biến mất trong cuộc sống của tôi.

Nói trắng ra thì các mối quan hệ đều neo giữ nhau bởi lợi ích, hoặc là trao nhau tình cảm, hoặc là san sẻ lợi ích. Nhưng hãy để cái tình đáp trả cái tình, đừng lấy tình cảm quy đổi ra tiền bạc để rồi phải ngỡ ngàng nhận ra, giá của cái tình nó bọt bèo rẻ rúng lắm.


HÔM NAY TÔI CÔ ĐƠN


Mấy ngày nay, tâm trạng của tôi không được ổn định và vững vàng như trước. Cô đơn, có lẽ sau những ngày tháng bản thân nghĩ rằng mình rất cố gắng để học tiếng Đức và làm youtube mà kết quả không như mong muốn, tôi cảm thấy mệt mỏi. Và mỗi khi như vậy, tôi lại cảm thấy lạc lõng.

Tôi lướt dọc khung chat của facebook để tìm kiếm những người mà tôi có thể trò chuyện. Nhưng thật khó để nghĩ ra một cái tên bởi vì có thể nói, tôi không có mối quan hệ nào có thể tâm sự. Mà những lúc bản thân tiêu cực như thế, nếu bản thân có thể tự giải quyết thì cũng không nên tìm gặp người khác. Không phải ai cũng sẵn lòng lắng nghe và đón nhận những điều người khác than phiền hay buồn rầu. Rồi tôi cũng thử nhắn tin cho hai người mà tôi có thể nghĩ ra, nhưng thật khó để mở lời khi bản thân không muốn làm ảnh hưởng tâm trạng họ hay thể hiện những góc khuất của bản thân.

Tôi lại không có thói quen tâm sự với bố mẹ hay người thân. Nhất là vào giai đoạn này, khi mà tôi không làm nên trò trống gì, chỉ đang ăn nhờ bố mẹ để có thời gian học hành và hy vọng ngày có thể sang Đức thì tương lai mới có tiến triển. Nếu chính tôi còn không tin tưởng vào quyết định của chính mình thì làm sao bố mẹ và người thân có thể ủng hộ hoặc ít nhất là không ngăn cản tôi được.

Vào những lúc như vậy, có phải lối sống khép kín của tôi có vấn đề chăng? Cứ cho là đúng thì chính tôi cũng không biết phải thay đổi như thế nào khi mà chính tôi luôn là người đứng bên lề cuộc sống. Và tôi biết rằng, cảm giác lúc này cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn thôi. Rồi tôi sẽ lại là một người độc lập, không đi theo đám đông và luôn muốn sống và bảo vệ cảm xúc của chính mình. Nói là bảo vệ cảm xúc của chính mình cũng chưa hẳn đúng. Bởi tôi thấy rằng tôi chưa thật sự có được cảm xúc của riêng mình, cảm xúc của tôi có thể là xúc cảm của người khác áp lên mình. Đó cũng là lý do tôi sợ kết nối với người khác, sợ bản thân mang cảm xúc của người khác vào mình hay cứ phải suy nghĩ cho người khác.

Cũng may là tôi bắt đầu ý thức về bản thân mình nên cũng đang dần khắc phục. Những lúc muốn tỏ ra cứng rắn, vô cảm, tôi phải tụng kinh trong lòng, rằng bản thân phải tôn trọng cảm xúc của mình mà phớt lờ người khác. Nhưng bên cạnh những ngày bình yên luôn có những ngày nổi bão trong lòng.

Cố gắng học thêm một chút, nhưng không chịu nổi nữa, tôi lấy cuốn sách “Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng” tôi mua cách đây vài tuần, leo lên xe đạp và chạy ra bờ suối cách nhà tôi vài chục mét. Ngồi trên thảm cỏ bên con nước đọng với đám lục bình, tôi lật giở từng trang sách. Tôi luôn có những cuốn sách mua đã lâu chỉ chờ dịp đọc. Và hôm nay, cuốn sách này đã làm bạn với tôi khi đồng điệu với tâm trạng của tôi lúc này.

Hòa mình vào thiên nhiên trong không khí yên bình, nghiền ngẫm từng trang sách trải lòng của tác giả, tôi không thấy mình bớt lẻ loi. Đâu đó trên thế giới này vẫn có những người đang đơn độc giống tôi. Thế giới này luôn tồn tại những người không ngừng cố gắng theo đuổi giấc mơ hoặc đang vật lộn với nhịp sống cùng với tôi.

Tôi biết mình cần thoát khỏi cảm giác này nhưng không nhất thiết phải bực bội và ép mình bằng mọi cách phải tích cực hay tìm kiếm động lực ngay lập tức. Tôi ý thức nhìn nhận, đối diện và chấp nhận cảm xúc tôi đang có. Tận hưởng chúng cùng với những cuốn sách hoặc những bộ phim, bản nhạc cực buồn. Và biết rằng, qua ngày mai, sau một giấc ngủ bình tâm với chính mình, tôi sẽ rời bỏ cảm xúc này và tiến về phía trước. Giờ đây thì tôi ý thức rằng “tôi đang cô đơn”.

 


KIÊN TRÌ KHI HỌC NGOẠI NGỮ


Sau gần 9 tháng học tiếng Đức, tôi đang gặp phải vấn đề tương tự như khi tôi học tiếng Anh. Khi mới bắt đầu học thì những cái mới lạ làm tôi hứng khởi tiếp thu mọi thứ. Nhưng đến giai đoạn những điều cần biết đã biết, thì giai đoạn nâng cao vốn từ và luyện tập khả năng nhanh nhạy khi sử dụng ngôn ngữ cực kỳ khiến tôi nản chí.

Giống như tôi đang leo trên cây cột mà đến đoạn bôi trơn, cứ leo rồi tụt, leo rồi tụt, không biết đến bao giờ tôi muốn vượt qua được nấc thang này để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thoải mái. Có lẽ tôi gặp vấn đề này vì tôi nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Ngôn ngữ thì cần sự kiên trì, ít mà liên tục còn hơn cố nhồi nhét mà gián đoạn.

Một đứa trẻ cũng cần hơn một năm để nghe hiểu ngôn ngữ rồi mới bập bẹ nói những từ đơn. Sau đó mới bắt đầu nói câu đơn rồi những từ cao cấp và câu phức tạp phải được trau dồi qua năm tháng và va chạm cuộc sống. Thế thì việc học ngoại ngữ 6 tháng, một năm mà chưa thành thạo cũng là chuyện bình thường. Huống hồ khả năng học ngôn ngữ của người trưởng thành cũng giảm sút so với trẻ nhỏ.

Biết là vậy nhưng mắc kẹt quá lâu trong một ngôn ngữ cũng khiến bản thân không đủ thời gian cho những việc khác. Nói gì thì nói tôi vẫn phải cố gắng bước tiếp để chinh phục tiếng Đức và tiếng Anh rồi tiếp tục trau dồi những ngôn ngữ khác. Đó là mong muốn của tôi thì dù có khó khăn, mệt nhọc thì cũng phải tiến về phía trước.

Viết vài dòng này chỉ để nhắc nhở bản thân không được bỏ cuộc hay buông thả bản thân. Vì CoVid-19 mà mục tiêu của tôi phải dời sang năm sau. Có lẽ tâm lý còn nhiều thời gian khiến tôi không được thúc đẩy và nỗ lực nhiều. Thôi thì phải hạn định lại thời gian và kỷ luật lại bản thân.  Cố lên tôi ơi!