Đôi khi ta thấy đời mình khổ nên muốn được làm cánh chim trời
tự do tung bay nhưng đâu biết rằng để bay được, nó cũng phải nỗ lực đập cánh,
vượt lên gió bão. Ta ước mình được làm đoá hoa thoải sức khoe sắc giữa đất trời,
nhưng ta có nghĩ hoa cũng phải trải qua những nắng mưa mới bung nở rực rỡ. Ta lại
nói chúng không phải lo nghĩ như ta. Nhưng hãy thử là hoa, là chim, nếu vẫn muốn
làm bông hoa thơm nhất, đẹp nhất, nếu vẫn mong làm con chim bay giỏi nhất, đẹp
nhất thì ta có còn vô tử toả hương, vô tư bay lượn được chăng?
Vậy có phải nguồn cơn của đau khổ mà ta nghĩ mình đang chịu
đựng chính là sự so sánh. Ta so sánh bản thân với người khác để thấy rằng họ sướng
hơn ta, ta khổ hơn họ. Một đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, nó vẫn vui vẻ với cơ
thể của nó cho tới khi nó biết so sánh bản thân mình với những đứa trẻ khác. Nó
thấy cơ thể nó không được đầy đủ, đẹp đẽ như bạn nó nên nó mong muốn được như bạn
nó. Và khi mong muốn không được thoả mãn thì sinh ra uất hờn, khổ đau. Đó là sự
tự so sánh.
Nếu không mắc phải sự tự so sánh đó thì ta vẫn gặp phải sự
so sánh của người khác. Dù vô tình hay cố ý thì những lời so sánh của người
khác có khi khiến chúng ta đánh giá bản
thân theo hướng tiêu cực. "Mày thấy con nhà người ta thế này thế kia
không". "Con người ta bằng tuổi này thì thế kia thế nọ".
"Mày là đồ vô tích sự"... Những sự so sánh đó làm lung lay sự trọn vẹn,
tự tin nơi bản thân. Và khiến ta đau khổ vì không được như "con nhà người
ta". Nó cho ta niềm tin rằng phải học giỏi, thông minh, xinh đẹp, giàu
có... như người này người kia thì ta mới được sự tôn trọng, yêu thương và chỉ
có thể ta mới hạnh phúc. Ta chạy đua để đạt được những điều đó nhưng mãi vẫn
chưa đủ, ta đau khổ.
Chung quy lại, khi có so sánh, nhìn nhận tiêu cực về bản
thân thì chúng ta mong muốn có những điều người khác có mà mình không có. Và
tiêu chuẩn đem ra so sánh đó trở thành điều kiện để ta có hạnh phúc, khi không
có thì ta đau khổ. Vậy để giảm bớt đau khổ thì phải ngừng so sánh tiêu cực về bản
thân, chấp nhận những gì bản thân có, những gì bản thân là, dù là phần tốt hay
phần chưa tốt.
Vậy làm sao để chấp nhận bản thân?
Ta nghĩ rằng mình cũng giống như những người khác nên tại
sao họ có cái này, cái kia mà ta không có. Nhưng nếu ta nhìn ra ngoài kia, cũng
đều là hoa nhưng có hoa đẹp kiểu này, hoa đẹp kiểu khác, hoa thơm mùi kia, hoa
thơm mùi nọ. Chính vì khác biệt đó mà có người thích hoa này, người chê hoa
kia. Vậy nếu xem mỗi người là một loài hoa, chẳng phải ta có hương sắc riêng
hay sao. Khi người khác không thích ta không phải vì ta không đẹp không thơm.
Chỉ bởi vì họ không thích hương sắc này và sẽ có người khác thích sắc hương đó.
Thế chẳng phải ta vượt qua được sự so sánh của người khác và tự nhìn nhận, khẳng
định giá trị bản thân sao?
Để bản thân không bị dao động trước những so sánh của người
khác, ta cần có sự khẳng định giá trị bản thân, biết mình như thế nào, hiểu được
điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu để tự
củng cố và khẳng định giá trị bản thân với chính mình. Khi người khác có so
sánh ta thì họ so sánh đúng, ta trân trọng, họ so sánh chưa đúng, ta biết mà
không xem thường bản thân hay đau khổ.
Biết rằng những điều đó cần thời gian luyện tập nhưng hãy
tin rằng ta sẽ làm được và sẽ giảm được những khổ đau. Hãy bắt đầu từ việc thực
hành những điều nhỏ nhặt trong ngày để bản thân thấy nó hiệu quả mà có động lực
rèn luyện.
"Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng".
"Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương".
Dù được chọn lựa hay không, ta cũng không quan trọng mình là
loài chim nào, là đoá hoa nào. Chỉ cần ta biết mình là chim thì sống trọn vẹn đời
chim, là hoa thì cống hiến đời hoa. Thế là đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét